Nằm ở cực Tây Bắc của Tổ quốc với hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, tỉnh Điện Biên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển một số loại hình du lịch tiêu biểu như du lịch lịch sử, văn hóa du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng… Thực hiện quan điểm của Đảng trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “gắn kinh tế với văn hóa”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Điện Biên đã thường xuyên chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch.
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc xây dựng các bản văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó điểm nhấn là loại hình du lịch homestay đã được tỉnh Điện Biên tập trung quy hoạch, xây dựng. Trên cơ sở chú trọng khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, du lịch cộng đồng ở Điện Biên đã dần trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và khách quốc tế; từ đó mang lại nguồn thu cho địa phương, nhất là cho người dân bản địa.
Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, loại hình du lịch cộng đồng đã phát triển tại một số bản như bản Phiêng Lơi, bản Him Lam 2, bản Mển, bản Ten, bản Noong Chứn… Điểm chung của các bản này đó là có đông đồng bào dân tộc sinh sống với những mái nhà sàn truyền thống, phong tục, tập quán được bảo tồn. Tại đây, du khách được tham gia, tìm hiểu, học hỏi, trải nghiệm nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống như: ca, múa, nhạc, lễ hội (tung còn, đẩy gậy, múa sạp, múa xòe, lễ hội kin lẩu lớ...). Chính điều này đã tạo sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
Có mặt tại Bản văn hóa du lịch cộng đồng Phiêng Lơi (thành phố Điện Biên Phủ) một ngày cuối tháng 9, giữa tiết trời đặc trưng của Tây Bắc, hòa mình trong điệu nhạc, điệu xòe của đồng bào người Thái nơi đây du khách dường như cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp trong đời sống và các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Chị Đỗ Trần Phương Anh, du khách đến từ Đà Nẵng vui vẻ cho biết: “Được bạn bè giới thiệu, tôi đã quyết định cùng gia đình đến với du lịch homestay ở đây. Được tham quan phong cảnh, tìm hiểu cuộc sống, nét sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là được trải nghiệm thực tế hoạt động sản xuất và chế biến các món ăn đặc trưng của người Thái, tôi và mọi người cảm thấy rất thú vị. Các thành viên trong gia đình tôi còn được bà con nơi đây cho mặc thử trang phục truyền thống, tham gia thu hoạch các loại nông sản vùng cao… Đây thực sự là một kỷ niệm đáng nhớ, giúp gia đình tôi, nhất là bọn trẻ hiểu thêm về cuộc sống của người dân Điện Biên”.
Bên cạnh du lịch cộng đồng, lễ hội cũng là một thế mạnh của du lịch Điện Biên và được nhìn nhận như một “nét riêng” về đời sống dân cư văn hóa bản địa. Hiện hàng năm toàn tỉnh Điện Biên có trên 100 lễ hội các loại như lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa du lịch… Trong đó có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng. Điển hình là Lễ hội thành Bản Phủ, Lễ cầu mưa dân tộc Cống, Tết cơm mới của người La Hủ, Lễ cúng bản tại di tích tháp Mường Luân (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông)…
Những năm gần đây, việc phát triển các tour, tuyến du lịch gắn với các lễ hội cũng đã vừa tạo sức bật cho du lịch Điện Biên vừa giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết tinh trong từng lễ hội. Cụ thể, lượng khách du lịch đến với Điện Biên trong năm 2017 là khoảng hơn 600 nghìn lượt, tăng 25% so với năm 2016, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 950 tỷ đồng, tăng 33,8%. Trong 6 tháng đầu năm nay, ước tính các điểm du lịch tại Điện Biên đã đón trên 490 nghìn lượt du khách (đạt 72,1% kế hoạch), tăng 57,56 % so với cùng kỳ 2017. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 643,7 tỷ đồng (đạt 56% so với kế hoạch năm), tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Theo chia sẻ của đồng chí Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, thực hiện chủ trương gắn phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc, Điện Biên đã chú trọng tuyên truyền người dân giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Cùng với việc khôi phục nghề trồng bông, dệt vải, bà con còn hướng dẫn khách du lịch tham gia trải nghiệm dệt thổ cẩm. Tại các bản văn hóa du lịch cộng đồng, thường xuyên duy trì từ 1 - 2 đội, câu lạc bộ văn nghệ tổ chức tập luyện, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, các trò chơi dân gian truyền thống... Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc đến với du khách thập phương.
Được biết, thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh Điện Biên sẽ đẩy mạnh công tác sưu tầm, khôi phục và bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc như tiếng nói, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, lễ hội, trò chơi dân gian, nhà sàn... Từ đó nâng cao hơn nữa sức hút của du lịch Điện Biên đối với khách du lịch trên cơ sở phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
Thực tế ở Điện Biên thời gian qua cho thấy, để bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát triển gắn với du lịch, bên cạnh những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền thì chính người dân cần tự nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đó đồng thời cũng là “lời giải” cho bài toán kết hợp giữa phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên./.
THEO BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN