Toàn tỉnh Bình Định có khoảng 7.800 hội viên phụ nữ là người DTTS, trong đó, 2.560 phụ nữ, tập trung ở 3 huyện miền núi Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh đang khẳng định vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội. Theo chị Từ Thị Phụng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Định, phương châm của Hội là ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho hội viên, phụ nữ người DTTS, đặc biệt là tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Với mục tiêu hỗ trợ có địa chỉ, khuyến khích thúc đẩy hội viên phụ nữ DTTS phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện các mô hình tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ tiết kiệm tín dụng, các mô hình thực hành tiết kiệm theo gương Bác như “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm”… Đơn cử như tại huyện An Lão, trong năm 2017, các cấp hội duy trì được 750 hũ gạo tình thương, thu được hơn 2,4 tấn gạo, giúp cho 118 chị khó khăn và thu hoạch 1.229 con heo đất tiết kiệm được trên 584 triệu đồng.
Chị Đinh Thị Lép, thôn 1, xã An Nghĩa kể: Trước đây, gia đình chị khó khăn lắm nhưng nhờ chị em giúp đỡ để đầu tư nuôi trâu, heo rồi làm rẫy trồng keo, giờ gia đình tôi không chỉ no cái bụng mà còn có của ăn của để với 25ha rừng, gần 20 con trâu, heo sinh sản, thu nhập gần chục triệu đồng mỗi tháng.
Cuộc sống khấm khá lên, chị Lép có thời gian và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội, như góp vốn, gạo hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn và tạo việc làm cho 6 chị em khác ở thôn.
Còn tại huyện Vĩnh Thạnh, các cấp Hội Phụ nữ đã hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua “Làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, trong năm 2017, vận động đóng góp 6.000 đồng/hội viên/tháng và đã thu được hơn 426 triệu đồng, hơn 4 tấn gạo với 1,2 tỷ đồng góp vốn xoay vòng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay mượn phát triển kinh tế.
Đặc biệt, có gần 390 hội viên đã góp 150 triệu đồng, 21 chỉ vàng và 180kg giống các loại giúp đỡ 337 hộ thoát nghèo. Chị Hoàng Thị Ánh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Huyện Vĩnh Thạnh xây dựng được nhiều mô hình, tổ liên kết phụ nữ phát triển kinh tế mới như: trồng chuối tại xã Vĩnh Kim; trồng sả tại Chi Hội Phụ nữ thôn Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp; trồng keo tại chi hội M9, xã Vĩnh Hòa… với 124 thành viên, thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn ưu đãi làm kinh tế, các cấp Hội còn tích cực triển khai nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống. Ví dụ như, để giúp phụ nữ DTTS từ bỏ thói quen hút thuốc lá, Hội LHPN huyện Vân Canh đã thành lập được 5 CLB phụ nữ không hút thuốc lá có 456 thành viên tham gia.
Bà Đoàn Thị Vương, làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, đã bỏ hút thuốc lá, chia sẻ: Trước đây trong làng có đến 90% phụ nữ hút thuốc, nhưng từ ngày tham gia CLB, được giải thích về tác hại của việc hút thuốc lá, tôi và các chị em trong làng đã bỏ được thuốc.
Chị Từ Thị Phụng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định nhấn mạnh thêm, thông qua cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, các mô hình CLB “Gia đình phát triển bền vững”, “Phụ nữ không sinh con thứ ba”, “Phụ nữ không hút thuốc lá”, các hoạt động kết nghĩa giữa Chi Hội Phụ nữ người Kinh với Chi Hội Phụ nữ DTTS, đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của hội viên, phụ nữ DTTS, giúp chị em dần thay đổi nhận thức, tiếp cận cái mới, tiến bộ và có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
THÀNH NHÂN