Số lượng người sử dụng ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua ngày càng tăng với nhiều loại ma túy khác nhau, nhiều nhất là ma túy tổng hợp như: Thuốc lắc, ma túy đá… Việc sử dụng ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, mà còn hủy hoại tương lai của người sử dụng, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự.
Nhiều vụ án đau lòng
Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ án mạng đau lòng do người sử dụng ma túy gây ra, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây lo lắng cho người dân. Nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma túy tổng hợp quá liều dẫn đến tình trạng “ngáo đá”, xem người thân như kẻ thù, nên ra tay sát hại dã man, gây bức xúc trong dư luận.
Vào ngày 5/5, đối tượng Lê Hoàng Nam, 34 tuổi, ngụ TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa) lên cơn ngáo đá ra tay giết mẹ ruột của mình. Trước đó, Nam đã nhiều lần sử dụng ma túy đá rồi đánh đập mẹ gây thương tích.
Tương tự, vào cuối tháng 2/2021, Phan Thanh Minh 33 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, (TP. Hồ Chí Minh), sau khi sử dụng ma túy đá đã tưởng anh ruột và bạn của anh là kẻ thù nên ra tay sát hại.
Tại Đồng Nai, thời gian qua cũng xảy ra không ít trường hợp người nghiện lên cơn “ngáo đá” và gây ra nhiều hành vi nguy hiểm cho bản thân hoặc gia đình, như: Dọa giết người, cầm dao đòi tự sát, đập phá đồ đạc, thậm chí là leo lên cột điện, mái nhà…
Cụ thể như ngày 15/6, Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã khống chế được Lê Bảo Xuyên, 35 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP. Biên Hòa có biểu hiện nghi ngáo đá, dùng dao kề cổ dọa giết vợ. Đối tượng này còn yêu cầu công an phải cung cấp 1 xe đặc chủng và 5 tỷ đồng để bỏ trốn…
Đáng chú ý, trong các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy cũng là nơi dễ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, bởi nhiều đối tượng nghiện trong quá trình cắt cơn, giải độc thường dễ kích động, có xu hướng bạo lực. Điển hình như ngày 29/6, Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với 7 đối tượng là học viên của Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (thuộc Sở LĐ-TB&XH, đóng tại xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) để điều tra về hành vi giết người. Quá trình điều tra công an xác định, vào ngày 14/12/2020, trong giai đoạn cắt cơn, giải độc, anh Nguyễn Tiên Phong (học viên cơ sở) thường xuyên la hét, gây ồn ào, nên đã bị 7 đối tượng khác đánh đập, tra tấn trong thời gian dài, dẫn đến tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Hậu quả khôn lường
Hiện nay, theo đánh giá của các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai, tình trạng nghiện ma túy đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, tình trạng tái nghiện còn nhiều.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm chữa trị cho người nghiện, Bác sĩ Chu Văn Phương, Trưởng phòng khám Điều trị cai nghiện phục hồi sức khỏe, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết, việc sử dụng ma túy tổng hợp tác động trực tiếp đến hệ thần kinh như: Gây hoang tưởng nhận nhầm người thân là ác quỷ, kẻ thù hay người lạ lại tưởng người thân; hoang tưởng bị đe dọa, truy hại (nhìn đối phương sẽ nghĩ đang nhìn đểu hoặc sẽ đánh mình…). Một số trường hợp rơi vào trạng thái trầm cảm, ít vận động, gọi hỏi trả lời ít, biểu cảm lờ đờ, khí sắc trầm, đôi khi khóc một mình; tạo ảo giác nhiều (như nghe người khác nói chuyện trong tai, nghe ai đó chửi mình)…
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn gần 5.000 người, tăng hơn 500 người so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chủ yếu người nghiện đang trong độ tuổi 16 - 35 tuổi, đặc biệt người nghiện sử dụng heroin và ma túy tổng hợp chiếm hơn 86%.
“Người nghiện ma túy tổng hợp rất dễ bị kích động khi nghe âm thanh lớn, bị chọc ghẹo, có thể la hét, đập phá, đôi khi hoang tưởng kết hợp ảo giác dẫn đến hành vi tấn công người khác. Có người còn treo cổ, lấy vật mài nhọn tự đâm bụng, cứa tay chân và còn rất nhiều biểu hiện lạ khác về rối loạn giấc ngủ, tiêu hóa, thị giác, thính giác, vị giác…”, Bác sĩ Phương cho biết thêm
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết, tại cơ sở có hơn 40% đối tượng vào cơ sở cai nghiện ma túy có tiền án, tiền sự và đặc biệt là trong thời gian cắt cơn, giải độc, những đối tượng này rất manh động.
Theo ông Lịch, giai đoạn cắt cơn, giải độc cho người nghiện là giai đoạn khó khăn, nguy hiểm nhất và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, không thể kiểm soát tuyệt đối. Người nghiện ma túy đa phần là người trẻ, có tiền án, tiền sự trước khi vào cai nghiện, chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp hoặc dùng chung nhiều loại ma túy khác nhau nên dễ loạn thần, ảo giác, chống đối, tinh thần không ổn định. Trong khi đó, lực lượng quản lý cơ sở rất mỏng, chỉ 5 - 6 người làm việc để quản lý 100 - 150 học viên trong phạm vi 10 ngàn m2 sẽ tạo áp lực rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ, chất lượng quản lý sẽ giảm và tiềm ẩn nguy cơ về tình hình an ninh trật tự.
Trong thời gian qua, thỉnh thoảng vẫn xảy ra một vài trường hợp học viên Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh mâu thuẫn trong sinh hoạt dẫn đến đánh nhau, nhưng tất cả đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời; đã có một vài trường hợp gây thương tích cho người khác, nhưng ở mức độ nhẹ. Những trường hợp này, cơ sở đã đưa ra kiểm điểm trước tập thể học viên, thi hành kỷ luật theo quy chế và chuyển đi khu khác, không cho ở chung để ngăn chặn tình trạng tiếp tục xảy ra mâu thuẫn.
“Sự việc học viên tử vong do bị đánh là sự cố đáng tiếc, bất ngờ đối với đơn vị. Đây được xem là bài học đắt giá trong công tác quản lý, giáo dục học viên cai nghiện, nhất là việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát sinh hoạt hằng ngày đối với học viên trong thời gian cắt cơn, giải độc”, ông Lịch nói.
Vụ việc trên là lời cảnh báo cho các học viên khi đang thực hiện cai nghiện ma túy tại các cơ sơ cai nghiện ma túy hay có tính côn đồ, quậy phá, coi thường pháp luật. Đồng thời, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các cơ sở cai nghiện ma túy, nhất là việc phải thường xuyên nhắc nhở cán bộ, nhân viên của mình luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý học viên điều trị nghiện ma túy, tránh dẫn tới những sự việc tương tự xảy ra./.