Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hát Lừu-Khó khăn chồng chất

PV - 15:07, 29/08/2018

Thời gian qua, các cấp, các ngành huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã cùng người dân nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, đời sống của bà con nơi đây vẫn còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, rất cần đến sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Hát Lừu Ngôi nhà mới được xây dựng của chị Lò Thị Loan, bản Lừu, xã Hát Lừu nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và các nhà hảo tâm.

Có dịp đến thăm cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ tại khu tái định cư (TĐC) xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu), chúng tôi mới thấy được những khó khăn của người dân nơi đây.

Chuyển về căn nhà mới ở bản Hát 2 (xã Hát Lừu) được gần 1 năm nay, nhưng đến tận bây giờ, chị Lò Thị Loan vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau do trận lũ lịch sử năm 2017 để lại. Mặc dù không bị thiệt hại về người, nhưng tất cả tài sản, ruộng vườn nhà chị Loan đều bị trôi theo dòng nước lũ.

Nhìn căn nhà mới khang trang, nhưng bên trong chỉ vẻn vẹn vài bộ quần áo, một ít đồ dùng sinh hoạt gia đình của chị Loan, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Căn nhà được dựng lên từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, cùng với sự giúp đỡ từ gia đình và anh em.

Hàng xóm của chị Loan là gia đình chị Đường Thị Hom. Trong cơn lũ lịch sử năm ngoái, chị Hom may mắn còn giữ được một phần của ngôi nhà và 1 con bò. Thế nhưng cuộc sống của chị Hom cũng không khá hơn bao nhiêu. Chồng mất sớm, cậu con trai đang học lớp 9, một mình chị phải gồng gánh lo toan mọi việc của gia đình. Hàng ngày chị loanh quanh ở nhà, bám vào mảnh ruộng 0,5ha và một ít nương để trồng ngô nuôi con ăn học.

Nhìn con bò, chị rơm rớm nước mắt nói với chúng tôi: “Đây là tài sản giá trị lớn nhất mình có. Mặc dù đã chuyển nhà qua khu đất mới an toàn hơn, nhưng mỗi lần mưa bão về, mình đều ăn không ngon, ngủ không yên, rất lo sợ”.

Được biết, xã Hát Lừu có 35 hộ được bố trí tái định cư tại nơi ở mới theo hình thức ở xen kẽ với các hộ dân khác. Mỗi hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng và nguyên vật liệu để xây nhà mới. Đến nay, các hộ đều đã có nhà mới kiên cố, ở vùng đất an toàn.

Ông Lò Văn Pầng, Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết, các khu tái định cư đều được lựa chọn theo các tiêu chí an toàn, giảm thiểu việc xây dựng hạ tầng như gần đường giao thông, gần nguồn nước và có thể kéo điện về. Thế nhưng vấn đề khó khăn nhất của xã hiện nay vẫn là đảm bảo phát triển kinh tế cho người dân.

Nguyên nhân dẫn đến việc khó đảm bảo sinh kế cho người dân chủ yếu do đặc thù là huyện vùng cao, quỹ đất rất hạn chế bởi địa hình núi dốc, dẫn tới việc có rất ít đất sản xuất. Thêm nữa, đa phần diện tích đất trồng lúa phải chuyển đổi sang đất tái định cư, quỹ đất canh tác đã ít lại càng eo hẹp hơn. Bên cạnh đó, do địa phương lại thường xuyên bị thiên tai, rét đậm rét hại, nên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân gặp không ít khó khăn. Thu nhập chủ yếu của người dân nơi đây là đi làm thuê ở các địa phương khác và trông chờ vào mấy cây sắn, cây ngô…

Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lừu, Lò Văn Pầng đưa ra dẫn chứng về những khó khăn chồng chất trong việc tìm giải pháp để đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân: “Vừa qua, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của xã, ước tính gần 4 tỷ đồng. Nhiều diện tích hoa màu bị mất, giao thông tê liệt. Hay như trước Tết Nguyên đán 2018, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đã làm chết 25 con trâu, 7 con bò…

Để khắc phục những khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân, chính quyền xã Hát Lừu đã vận động người dân duy trì diện tích gieo trồng hoa màu, mở rộng chăn nuôi. Trong 8 tháng đầu năm 2018, xã đã tổ chức 15 lớp tập huấn các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi gà cho bà con. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời.

Ông Lò Văn Pầng trăn trở: “Do đặc điểm khó khăn của địa phương, chúng tôi cũng đã cố gắng vận động người dân tham gia các lớp học nghề, để giúp người dân có điều kiện tăng thu nhập. Hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế. Còn về vấn đề đất sản xuất, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm giải pháp để giải quyết…”.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.