Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội tiền thân là Trường dạy chữ, dạy nghề cho người câm điếc có tên là Trường 23/3 được thành lập ngày 10/4/1978, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội.
Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy văn hóa và hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ khuyết tật, trẻ khuyết tật tự nguyện đóng góp kinh phí theo quy định trên địa bàn thành phố.
Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy văn hóa và hướng nghiệp dạy nghề cho 130 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng; chia theo các dạng tật chủ yếu như sau: trẻ bị câm điếc 62 cháu, trẻ bị khuyết tật trí tuệ 44 cháu, khuyết tật vận động 7 cháu, tự kỷ, tăng động 17 cháu.
Hiện tại, Trung tâm đang tổ chức 11 lớp học văn hóa (từ 9-15 cháu/lớp), trong đó có 8 lớp học văn hóa dành cho trẻ khiếm thính, 3 lớp cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Các cháu được học hai buổi/ngày, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, theo chương trình giáo dục chuyên biệt bậc tiểu học, (sách giáo khoa do Viện Khoa học giáo dục biên soạn, có bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm đối tượng ở Trung tâm).
Ngoài học văn hóa, các cháu còn được học tin học, được hướng nghiệp dạy nghề (hiện đang có nghệ nhân dạy các cháu làm hoa đất), học kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ giúp các cháu có khả năng hòa nhập cộng đồng.
Ngoài giờ học, các cháu được bố trí phòng ở phù hợp theo giới tính và dạng tật; được chăm sóc chu đáo. Các cháu được hưởng chế độ nuôi dưỡng theo quy định của thành phố mức 1.760.000 đồng/đối tượng/tháng và 350.000 đồng/đối tượng/tháng tiền chi khác. Các cháu còn được tổ chức vui chơi, và tham gia các môn thể thao như: kéo co, cầu lông, bóng đá, bóng rổ… để rèn luyện sức khỏe.
Sau khi học xong chương trình giáo dục chuyên biệt cấp tiểu học tại Trung tâm, một số cháu được gia đình cho đi học tiếp cấp trung học cơ sở tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, một số cháu được các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận dạy nghề và tạo việc làm, với mức thu nhập từ 3 đến 10 triệu đồng/tháng.
Nhìn chung, các cháu bị câm điếc sau khi rời Trung tâm đều có khả năng hòa nhập cộng đồng và tự lập được cuộc sống. Số cháu khuyết tật đặc biệt nặng không thể tái hòa nhập cộng đồng khi quá tuổi Trung tâm báo cáo Sở chuyển Trung tâm khác để nuôi dưỡng suốt đời…
Nhân dịp này, Thủ tướng đã thăm thực tế cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, nội trú của các cháu học sinh; cùng các đồng chí lãnh đạo đã tặng quà cho Trung tâm và các cháu học sinh.
Đại diện học sinh của Trung tâm phát biểu bày tỏ xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bày tỏ quyết tâm nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt qua hoàn cảnh để vươn lên, phấn đấu học tập, là trò giỏi, có ích cho xã hội.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng cùng các đồng chí lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và địa phương vui mừng, xúc động tới thăm, gặp gỡ, trò chuyện với các thầy cô giáo, các cháu học sinh nhi đồng đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội - nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và hướng nghiệp cho những học sinh kém may mắn, chịu nhiều thiệt thòi so các bạn cùng trang lứa. Càng ý nghĩa hơn khi ngày mai chính là ngày của các cháu - Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, cũng đồng thời là ngày bắt đầu triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Đặc biệt, một kỳ nghỉ hè sôi động đầy trải nghiệm với những hoạt động bổ ích, hấp dẫn đang chờ đợi các cháu!
Trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thay mặt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và với những tình cảm thân thiết, Thủ tướng gửi tới các thầy cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục cùng toàn thể các cháu học sinh nhi đồng trên toàn quốc nói chung và các cháu học sinh nhi đồng có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các cháu học sinh sẽ có một kỳ nghỉ hè vui vẻ, an toàn, ý nghĩa và đầy thú vị bên gia đình, người thân, các thầy cô giáo và bạn bè!
Thủ tướng nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày một ấm no, hạnh phúc. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước phát triển nhanh và bền vững, đem lại hiệu quả cao. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Đảng, Nhà nước còn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên, giáo trình để các cháu có điều kiện tốt nhất để học tập, phát huy khả năng của mình, các cháu khuyết tật có điều kiện khắc phục hoàn cảnh éo le, bình đẳng trong giáo dục; không phân biệt đối xử và bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan; coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài. Các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân luôn quan tâm, đầu tư, chăm lo cho công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi...
Thủ tướng nêu rõ, nhiều thầy cô giáo đang tâm huyết, trách nhiệm, dành tình cảm nuôi dậy các cháu; đến với các cháu là sự hy sinh, thực tâm, thực chất. Thủ tướng cảm ơn các thầy cô giáo đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu khuyết tật.
Thủ tướng tin tưởng các cháu cũng cảm nhận được điều này; từ đó các cháu lạc quan, yêu đời, có điều kiện hòa nhập xã hội, có ý thức vươn lên, trưởng thành, đóng góp cho xã hội. Điều này rất đáng trân trọng, thể hiện sự nỗ lực của hai bên là thầy cô giáo và các cháu học sinh.
Thủ tướng khẳng định, đóng góp vào những kết quả nêu trên có vai trò của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội mà chúng ta tới thăm ngày hôm nay, với nhiệm vụ tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy văn hóa và hướng nghiệp dạy nghề cho 130 cháu học sinh khuyết tật, mỗi cháu lại có hoàn cảnh khác nhau. Có thể nói, sau 46 năm hình thành và phát triển, Trung tâm đã trở thành ngôi nhà chung của các cháu học sinh, trở thành mái ấm của trí thức, của tình yêu thương. Mái ấm này chính là nơi các thầy cô giáo đã thực sự trở thành những người cha, người mẹ luôn bền bỉ, bao dung, vị tha, cảm thông, nhẫn nại, vừa dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, vừa bảo ban, vỗ về, động viên, chia sẻ với những khó khăn, thiệt thòi của các cháu. Mái ấm này chính là nơi tiếp sức, truyền lửa, giúp các cháu không ngừng nỗ lực, cố gắng, bằng ý chí và nghị lực đã vượt qua nghịch cảnh để học tập tốt, rèn luyện tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Thủ tướng rất vui mừng được biết, sau khi được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm, có những cháu được gia đình cho đi học tiếp cấp THCS, có những cháu được các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận dạy nghề và tạo điều kiện, việc làm với mức thu nhập từ 3 đến 10 triệu đồng/tháng. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện văn hóa, truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta, giúp cho trẻ em không được may mắn có cơ hội khẳng định mình và có những đóng góp nhất định cho xã hội; là minh chứng rõ nét, sống động cho lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên”.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh khuyết tật nói riêng.
Thủ tướng trân trọng và biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của thầy, trò và cán bộ, người lao động tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội; nhất là vai trò đặc biệt, tình thương yêu, lòng nhân ái, vị tha, kiên trì, bền bỉ của các thầy, các cô đối với các cháu học sinh; nêu rõ, giai đoạn phát triển mới đặt ra cho công tác về trẻ em nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng nhiều khó khăn, thách thức mới. Những rào cản của việc tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng, có chất lượng đối với trẻ khuyết tật cần được tiếp tục quan tâm, giải quyết. Chúng ta phải dành sự quan tâm, lao động, chỉ đạo, đầu tư cho cơ sở vật chất thoả đáng cho các cháu.
Ghi nhớ và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; để vượt qua những thách thức đó, chúng ta cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động thiết thực hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới. Mỗi gia đình hãy thực sự là một mái ấm tràn ngập tình yêu thương để các cháu được quan tâm, chăm lo, cảm nhận sự an toàn và niềm hạnh phúc, cảm nhận được sự bình đẳng. Mỗi ngôi trường hãy là một mái nhà hạnh phúc, để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, để các cháu được học tập, rèn luyện, giao lưu, trưởng thành và phát triển. Cả cộng đồng, xã hội chúng ta hãy hành động thiết thực với trách nhiệm cao nhất; với những tình cảm gần gũi, thân thương nhất; với cả tấm lòng và trái tim yêu thương! Hãy là chỗ dựa vững chắc, là nơi để các cháu gửi gắm niềm tin yêu và tin tưởng vào tương lai của mình!
Về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng lưu ý một số trọng tâm sau: Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, giáo dục trẻ em nói riêng. Trong đó, tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề như tình trạng thiếu cơ sở giáo dục, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; thừa, thiếu giáo viên cục bộ; hiện tượng giáo viên có những hành vi không đúng mực (bạo lực, xâm hại…) đối với trẻ em; tình trạng sách giáo khoa còn những bất cập, trường tạm, điểm trường còn xa, điều kiện sinh hoạt, dạy và học của thầy và trò còn khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; vấn đề bảo đảm nhà vệ sinh, nước sạch, chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các trường học, nhất là khi thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp; những hiểm họa như ma túy học đường, đuối nước, trò chơi bạo lực, tai nạn thương tích…;tình trạng thiếu nơi vui chơi giải trí an toàn, bổ ích, nhất là trong dịp hè để trẻ em tránh xa thiết bị điện tử, từ đó ngăn chặn những thông tin xấu độc, không lành mạnh, không trong sáng trên môi trường mạng, văn hóa ngoại lai không chuẩn mực.
Đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách về người khuyết tật, trong đó có học sinh khuyết tật. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thành Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó chúng ta bố trí, huy động nguồn lực của toàn xã hội, đầu tư từng bước nhưng đã đầu tư là hiện đại, hoàn chỉnh, làm đến đâu chắc đến đó, không dàn trải. Chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đặc thù như chữ nổi, thiết bị hỗ trợ khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ... cho học sinh hoạt động bình thường, nhanh chóng trở lại cộng đồng; tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đặc thù như chữ nổi, thiết bị hỗ trợ khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ... cho học sinh hoạt động bình thường, nhanh chóng trở lại cộng đồng; tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ dự án “Cải tạo, nâng cấp Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội” để cải thiện nơi ở, học tập, sinh hoạt cho trẻ em của Trung tâm. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo để công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, không hình thức.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, các thầy cô giáo của hệ thống các trường chuyên biệt nói chung và của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội nói riêng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục chia sẻ, đồng cảm, thương yêu, dạy dỗ, chỉ bảo các cháu học sinh trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội.
Thủ tướng nhắn nhủ, các cháu học sinh thân mến: sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã gửi gắm niềm tin của mình đối với các cháu nhi đồng qua 4 câu thơ:
“Bác mong các cháu "cho ngoan",
Mai sau gìn giữ giang san Lạc-Hồng.
Sao cho nổi tiếng Tiên-Rồng,
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”.
Các cháu hãy không ngừng cố gắng, kiên trì, quyết tâm, nghị lực; luôn nuôi dưỡng, ấp ủ những ước mơ, hoài bão, khao khát cháy bỏng để vượt qua nghịch cảnh, có được kiến thức và tay nghề giỏi, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Các cháu hãy luôn lạc quan, tự tin, không mặc cảm vì sự khiếm khuyết mà phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện, nâng cao trí lực và thể lực; đồng thời, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bạn có hoàn cảnh tương tự, cùng tích cực tham gia dựng xây tương lai đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Các cháu hãy luôn nhớ rằng: Đảng, Nhà nước, gia đình, thầy cô, bạn bè và xã hội luôn đồng hành, hỗ trợ, mong đợi và tin tưởng ở các cháu.
Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao, trân trọng cảm ơn và mong muốn các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chia sẻ và có những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em khuyết tật, chung tay mang lại cho các cháu tình yêu thương và niềm hạnh phúc trong cuộc sống.