Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hàng trăm nhà đầu tư tố Công ty FLC Hạ Long có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản: Cần xác minh thông tin Công ty FLC Hạ Long thế chấp căn hộ vay tiền ngân hàng

Thiên An - 00:24, 13/10/2023

Ngày 21/08/2023, Báo Dân tộc và Phát triển đăng tải bài viết, “Hàng trăm nhà đầu tư bức xúc trước dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long”. Tiếp tục xác minh nội dung phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã thu thập được một số tài liệu liên quan như Báo cáo tài chính của Công ty FLC Hạ Long gửi Cục thuế Quảng Ninh… Đặc biệt là những thông tin phản ánh Công ty FLC Hạ Long có dấu hiệu thế chấp căn hộ của nhà đầu tư vay tiền ngân hàng trái với quy định của pháp luật (!?).

Hàng trăm nhà đầu tư mòn mỏi đòi quyền lợi từ Công ty FLC Hạ Long
Hàng trăm nhà đầu tư mòn mỏi đòi quyền lợi từ Công ty FLC Hạ Long

Ông Lương Thanh Nhã ở Long Biên, Hà Nội, một trong những nạn nhân đại diện cho gần 300 nhà đầu tư, gửi đơn phản ánh tới Báo Dân tộc và Phát triển đã cung cấp cho phóng viên tài liệu Báo cáo tài chính (BCTC) của Công ty FLC Hạ Long gửi Cục thuế Quảng Ninh.

Theo BCTC của Công ty FLC Hạ Long thì, kể từ năm 2019 đến nay, mỗi năm công ty đều có doanh thu trên dưới 300 tỉ đồng, riêng doanh thu cho thuê condotel trong 2019-2021 là từ 90 – 200 tỉ đồng. Vậy mà khi đến hạn trả tiền thuê, Công ty FLC Hạ Long đều cho rằng, do dịch Covid ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nên đây là trường hợp bất khả kháng?

Không những thế, Công ty FLC Hạ Long liên tục tăng giá vốn hàng bán và chi phí quản lí doanh nghiệp (QLDN) để báo cáo lợi nhuận âm. Điển hình, doanh thu năm 2020 là 302 tỉ thì chi phí QLDN là 65 tỉ, trong khi đó doanh thu năm 2022 là 259 tỉ thì chi phí QLDN 87 tỉ? Cá biệt năm 2021 DT tăng 21% từ 302 tỉ lên 368 tỉ nhưng Chi phí QLDN tăng 300% từ 65 tỉ lên 195 tỉ.

Trong cơ cấu hình thành giá vốn hàng bán, nổi lên một điểm bất thường đó là chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác rất cao, chiếm đến 50% giá vốn hàng bán. Tất cả những chi phí này cùng với các chi phí QLDN và chi phí tài chính đẩy lợi nhuận của Doanh nghiệp tăng trưởng âm liên tiếp, từ (-) 71 tỉ trong năm 2019 đến (-) 137 tỉ trong năm 2022. Đặc biệt, biệt sau khi BCTC sửa đổi năm 2021 được công bố, lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm là (-) 447 tỉ.

Ông Lương Thanh Nhã cho biết: Báo cáo tài chính thể hiện rõ, năm 2021 Công ty FLC Hạ Long thế chấp toàn bộ tài sản và quyền tài sản phát sinh từ các HĐTTS ký kết giữa Cty FLC Hạ Long và CSH cùng các tài sản khác cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – CN Quảng Ninh vay dài hạn 600 tỉ. Đồng thời, công ty FLC Hạ Long cũng dùng chính quyền tài sản này vay ngắn hạn ngân hàng TMCP Quốc dân chi nhánh Quảng Ninh lấy 16.7 tỉ đồng. 

Tất cả những hoạt động thế chấp này đều không được sự đồng ý của chủ sở hữu...

Ngày 14/9, TAND tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự Tranh chấp hợp đồng thuê và quản lý tài sản. 3 người khởi kiện Công ty FLC Hạ Long
Ngày 14/9, TAND tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự Tranh chấp hợp đồng thuê và quản lý tài sản. 3 người khởi kiện Công ty FLC Hạ Long

Liên quan tới việc, hàng trăm nhà đầu tư tố Công ty FLC Hạ Long có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Một người nước ngoài đã kiện Công ty FLC Hạ Long ra tòa vì "quỵt tiền". Đó là, Ông Lim Tian Yi (quốc tịch Singapore) cùng 2 nguyên đơn khác.

Ngày 14/9, TAND tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự Tranh chấp hợp đồng thuê và quản lý tài sản. 3 người khởi kiện Công ty FLC Hạ Long là ông Lim Tian Yi (quốc tịch Singapore), bà Đ.T.H. (35 tuổi, quốc tịch Việt Nam, chỗ ở hiện nay: nước Hàn Quốc), bà N.P.L. (35 tuổi, HKTT: Long Biên, Hà Nội, chỗ ở hiện nay: nước Pháp).

Mặc dù được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC Group, trụ sở ở Hà Nội, công ty mẹ của FLC Hạ Long) vắng mặt.

Đại diện FLC Hạ Long đề nghị tạm hoãn phiên tòa do vắng mặt đại diện FLC Group. Tuy nhiên, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa bà Nguyễn Thúy Hằng đã không đồng ý với đề nghị của đại diện Công ty FLC Hạ Long và cho phiên tòa tiếp tục.

Tại phiên tòa, ngoài yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình, 3 người khởi kiện (nguyên đơn) đề nghị TAND tỉnh Quảng Ninh xác minh nội dung: Qua nghiên cứu Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty FLC Hạ Long xác định, FLC Hạ Long đã thế chấp quyền tài sản, quyền khai thác thuê các căn hộ condotel FLC Grand Hotel Hạ Long (chủ sở hữu là nguyên đơn) cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Thương Tín (Sacombank, chi nhánh Quảng Ninh) để vay vốn (600 tỷ đồng), mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu.

"3 nguyên đơn đề nghị tòa án yêu cầu ngân hàng cung cấp tài liệu chứng cứ để xác minh có phải Công ty FLC Hạ Long thế chấp các tài sản trên của nguyên đơn vay vốn tại ngân hàng Sacombank chi nhánh Quảng Ninh hay không. Nếu có việc thế chấp vay vốn này, thì phải triệu tập đại diện Sacombank chi nhánh Quảng Ninh đến tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" - thẩm phán Nguyễn Thúy Hằng cho biết tại phiên tòa.

Về việc trên, đại diện Công ty FLC Hạ Long cho biết, chưa có tài liệu liên quan đến việc thế chấp vay ngân hàng Sacombank chi nhánh Quảng Ninh và chưa nhận được văn bản đề nghị của phía nguyên đơn.

"Với tư cách là người đại diện cho FLC Hạ Long, ông có nắm được thông tin công ty thế chấp tài sản như trình bày tại tòa để vay tiền ngân hàng Sacombank không?", chủ tọa phiên tòa hỏi.

Đại diện Công ty FLC Hạ Long trả lời, chưa có tài liệu để xác định Công ty FLC Hạ Long có thế chấp hay không hay thế chấp cái gì?

Do xuất hiện thông tin (chưa được làm rõ) là các căn hộ condotel FLC Grand Hotel Hạ Long thuộc quyền sở hữu của các nguyên đơn mà Công ty FLC Hạ Long lại đem thế chấp ngân hàng để vay vốn, khi chưa có sự đồng ý của nguyên đơn, nên phiên tòa đã phải tạm hoãn để xác minh.

Vậy, có hay không việc Công ty FLC Hạ Long thế chấp căn hộ của nhà đầu tư để vay tiền ngân hàng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu?. 

Rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh sớm vào cuộc điều tra làm rõ, để trả lại quyền lợi cho hàng trăm nhà đầu tư Dự án Grand Hotel Hạ Long.


Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.