Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hạn chế tác động từ BĐKH tới vùng DTTS và miền núi: Thiên tai và những hậu quả khó lường (Bài 1)

Hồng Minh - 18:47, 26/08/2022

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn của nhân loại hiện nay. Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Đặc biệt những năm gần đây thiên tai xảy ra có xu hướng nhiều hơn, cường độ mạnh hơn như hạn hán, bão lũ… trong đó vùng đồng bào DTTS thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Thiên tai có xu hướng ngày càng mạnh hơn, tần suất nhiều hơn vào những năm gần đây (Ảnh minh họa)
Thiên tai có xu hướng ngày càng mạnh hơn, tần suất nhiều hơn vào những năm gần đây (Ảnh minh họa)

Những con số ám ảnh

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ tháng 1 đến Ttrung tuần tháng 8/2022, nước ta xảy ra 1 trận bão; 105 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 123 trận giông lốc; 61 vụ sạt lở bờ sông; 137 trận động đất; 12 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại. Thiên tai từ đầu năm 2022 đến nay đã làm 85 người chết, mất tích; 48 người bị thương; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.044 tỷ đồng.

Đó là những gì đã xảy ra, còn trước mắt tiềm ẩn rất nhiều những trận bão, lũ quét, sạt lở… mà không ai có thể kiểm soát được. 

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, dự báo từ nay đến hết năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4-6 cơn, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, bão mạnh, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Qua những con số trên có thế thấy, thiên tai chưa bao giờ có xu hướng thiên giảm, thậm chí diễn ra ngày càng mạnh hơn, tần suất nhiều hơn vào những năm gần đây.

Ví như ở các tỉnh miền núi như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái...thường bị sạt lở đất do mưa kéo dài, mất nhiều diện tích đất sản xuất, chủ yếu là ruộng, vườn ven khe lạch. Tình trạng hạn hán kéo dài dẫn đến không có nước sinh hoạt, sản xuất. Tỉnh Ninh Thuận từng có thời điểm tới 16 tháng không có mưa.

Hay ở Tây Nguyên, các hồ chứa, sông, suối, nước ngầm bị cạn kiệt. Rừng nguyên sinh bị suy giảm làm mất đa dạng sinh học. Rừng ở Buôn Đôn (Đắk Lắk), rừng ở Ba Tri (Phú Thọ), rừng Suối Tiên ở Cát Tiên (Lâm Đồng) bị thu hẹp, chim, thú mất dần.

Mưa, rét kéo dài làm ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi (Ảnh minh họa)
Mưa, rét kéo dài làm ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi (Ảnh minh họa)

Thiên tai rình rập

Mới đây, tại “Hội thảo quốc tế về Tác động của BĐKH tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt” do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức, đã chỉ ra cộng đồng DTTS là một trong những nhóm đối tượng chịu tác động nặng nhất từ BĐKH.

Cụ thể, Biến đổi khí hậu đang gây tổn thất nặng nề về môi trường, kinh tế, sức khỏe, đời sống tinh thần cho cộng đồng DTTS, văn hóa của cộng đồng đang bị mai một...

Từ những những hậu quả đã xảy ra, cộng đồng DTTS ngày càng nhìn nhận rõ hơn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến đời sống hàng ngày tại các địa phương.

Ông Sùng Văn Kinh, dân tộc Tày, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, kinh nghiệm sản xuất, tập quán canh tác bị thay đổi; nguồn nước ngầm, nước ở các khe suối ngày càng ít đi, lũ ống, lũ quét kéo theo sỏi, đá làm mất diện tích đất ở, đất canh tác, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, môi trường ô nhiễm sau thiên tai, gián đoạn việc học tập của con em.

Hay như tại tỉnh Lai Châu, những năm gần đây, thời tiết cũng không còn theo quy luật như trước đây. Ông Lý Văn Hương, Thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu cho biết, theo quan sát của ông, bây giờ mưa, nắng nóng, lạnh thất thường không theo quy luật, sương muối, rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi. Lũ quét, sạt lở đất làm cho các công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng, tài sản bị mất, tính mạng của người dân cũng bị đe dọa.

Sự thay đổi của thời tiết giờ đây không khó để nhìn ra, nếu vài chục năm trước, BĐKH là một hiện tượng ngỡ rằng còn cách xa, mơ hồ với cuộc sống, thì giờ đây nó đang rình dập bất kể lúc nào.

Vì thế, đồng bào DTTS hơn lúc nào hết luôn cần sự hỗ trợ về mọi mặt, để thích ứng với sự biến đổi này. Đó là sự hỗ trợ để người dân có khả năng sử dụng các kỹ thuật và công nghệ truyền thống; được tiếp cận các công nghệ và kỹ thuật mới từ cộng đồng quốc tế để phục vụ phát triển sinh kế bền vững trong bối cảnh BĐKH.


Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.