Đổi mới tư duy trong chăn nuôi
Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1 triệu con gia súc và trên 5.000 con gia cầm với 139 trang trại tại 11 huyện, thành phố. Hiện nay, các hộ chăn nuôi chủ yếu sử dụng các hình thức xử lý chất thải như: Hầm khí sinh học (biogas), đệm lót sinh học và ủ phân để làm phân bón cho cây trồng.
Tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trước đây việc xử lý chất thải chăn nuôi của các hộ dân còn hạn chế do tập quán chăn nuôi của bà con còn lạc hậu, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ, lẻ. Phần lớn các hộ chăn nuôi thuộc đối tượng hộ nghèo nên không có khả năng xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy định. Nhiều hộ sử dụng phân gia súc để bón ruộng, nương nên không xây dựng hệ thống xử lý chất thải khép kín.
Để đổi mới tư duy của người dân trong chăn nuôi, huyện Quản Bạ đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi gắn với xây dựng chuồng trại, bảo đảm vệ sinh môi trường tại xã Thanh Vân. Gia đình anh Dương Xuân Thành ở thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân là một trong những hộ tham gia mô hình này. Anh Thành chia sẻ: Thực hiện chủ trương của huyện về chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, cuối năm 2020, gia đình tôi đã xây dựng khu chuồng trại mới có 4 ngăn chuồng, có thiết kế ngăn xả thải dành cho đàn bò với tổng số tiền đầu tư là hơn 70 triệu đồng, trong đó được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng.
Trước đây, gia đình tôi chưa có kiến thức về chăn nuôi, điều kiện khu vực chuồng trại tạm bợ, gần nhà, nuôi nhiều bò nên lượng chất thải lớn, không được xử lý kịp thời, có mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và các hộ lân cận. Được Nhà nước hỗ trợ xây dựng chuồng trại theo thiết kế, kiên cố, dễ vệ sinh giúp hạn chế được bệnh tật cho đàn gia súc, có thể phòng chống rét cho đàn bò vào mùa đông nên gia đình tôi rất yên tâm để phát triển chăn nuôi lâu dài.
Cũng giống như hộ anh Thành, gia đình anh Hùng Văn Sinh, ở thôn Lùng Cáng đã đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng chuồng bò có 6 ngăn. Anh Sinh cho biết: “Sau khi được chính quyền địa phương vận động đổi mới tư duy xây dựng chuồng trại và hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình tôi đã tham gia thực hiện ngay. So với trước đây chăn nuôi theo cách truyền thống thì việc xây dựng chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường đem lại hiệu quả tốt hơn trong chăn nuôi, đàn gia súc có nơi ở hợp vệ sinh, sinh trưởng và phát triển tốt; bên cạnh đó, bà con có thể ủ phân chuồng để tận dụng bón cho cây trồng, đây là một hướng đi đúng cần nhân rộng”.
Gắn với bảo vệ môi trường
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y, thực hiện định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, trong năm qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ngành chăn nuôi tập trung chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để góp phần bảo vệ môi trường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã mở 21 lớp tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học cho 840 lượt người tham gia; thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tại huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang. Hiện nay, người dân đã chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe vật nuôi thông qua việc xử lý chất thải bằng hệ thống Biogas, đệm lót sinh học và ủ phân để xử lý môi trường chăn nuôi.
Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc xử lý môi trường chăn nuôi. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại đầu tư vào các hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn của Nhà nước. Các trang trại xây mới phải nằm trong quy hoạch, phải có hồ sơ thiết kế, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật. Với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng đệm lót sinh học, ủ phân trong chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.
Việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Qua đó giúp nông dân vừa phát triển sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn./.