Ly Đại Dương, Hầu Thị Dua (dân tộc Mông) là một trong những cặp tảo hôn ở thôn Sán Trồ, xã Bát Đại Sơn. Năm 2018, khi Dương và Dua lấy nhau, Dua vừa đủ 18 tuổi nhưng Dương mới 16 tuổi. Cán bộ thôn đến giải thích không xong, báo cáo lên xã để cán bộ xã đến giải thích, vận động, nhưng Dương và Dua chỉ đồng ý hoãn đến năm 2019 đủ tuổi thì cưới, họ vẫn về ở với nhau như đã định.
Lúc chúng tôi đến thăm nhà, Dương đang bế con đi chơi, chỉ mình Dua ở nhà. Dua chia sẻ: “Gặp nhau thấy thích thì lấy thôi. Chồng ít tuổi cũng không sao mà. Cán bộ thôn, xã đến tuyên truyền, nói là chưa đủ tuổi thì chưa được ở với nhau. Nhưng mình bước qua cửa nhà họ rồi, làm con ma nhà họ rồi, quay lại không tốt đâu...”.
Theo chia sẻ của ông Thào Mí Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Tiền hôn nhân xã, cái lý người Mông cùng với sự đồng tình của cha mẹ hai bên chính là một trong những nguyên nhân của tình trạng tảo hôn. Không chỉ giải thích, tuyên truyền, chính quyền xã còn lấy ý kiến của dân để nâng mức phạt mỗi cặp đôi vi phạm lên 3 triệu đồng, nhưng có nhiều gia đình vẫn sẵn sàng nộp phạt để... cưới.
Đáng buồn hơn, là có cả trường hợp cán bộ thôn cũng không gương mẫu. Trường hợp gia đình ông Tẩn Seo Khai, dân tộc Dao, thôn Na Quang là một ví dụ. Là thôn đội trưởng, kiêm Hội trưởng Hội Người cao tuổi của thôn, nhưng năm 2019, ông Khai lại có con và cháu là Tẩn Seo Hì và Tẩn Seo Vịn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Bát Đại Sơn hiện có 654 hộ nhưng vẫn còn tới 399 hộ nghèo (chiếm hơn 61%). Với suy nghĩ kết hôn sớm để có thêm lao động trong gia đình; anh, em họ lấy nhau sẽ gần gũi hơn và đặc biệt là không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của... nên đến nay, tảo hôn và HNCHT vẫn đang là vấn đề tồn tại dai dẳng ở địa phương này.