Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giảm nghèo bền vững, không giảm nghèo vì thành tích

PV - 09:39, 16/04/2018

Để công tác giảm nghèo có hiệu quả, tỉnh Quảng Nam xác định, mọi sự hỗ trợ cho người dân phải gắn với địa chỉ cụ thể, không chạy theo thành tích, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.

 

Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo. (Ảnh minh họa) Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo.(Ảnh minh họa)

 

Công tác giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể năm 2017, tổng số hộ đăng ký thoát nghèo bền vững toàn tỉnh là 3.989 hộ, tổng số hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững là 5.980 hộ. Kết quả có 3.567 hộ nghèo và 5.801 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững theo đăng ký. Tổng nguồn ngân sách tỉnh và huyện, thành phố cấp để thực hiện các chính sách dành cho hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo bền vững hơn 107 tỷ đồng.

Nguyên nhân nghèo ở Quảng Nam được xác định là do là thiếu vốn sản xuất, thiếu đất sản xuất, gia đình có đông người phụ thuộc, không có kế hoạch sản xuất, chi tiêu... Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 13 của tỉnh về công tác giảm nghèo vẫn còn một số tồn tại như triển khai đăng ký thoát nghèo chậm; công tác thông tin, tuyên truyền còn hạn chế; một số hộ nghèo đăng ký thoát nghèo nhưng chỉ vươn lên cận nghèo; hộ thoát nghèo được hỗ trợ vay vốn tối đa 50 triệu đồng, ưu đãi 100% lãi suất nhưng còn dư nợ vay tại ngân hàng khi còn là hộ nghèo, vì thế không thể tiếp tục vay vốn khi chưa hoàn trả nguồn vay cũ...

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, mục tiêu của tỉnh trong năm 2018 là đưa 6.000 hộ nghèo trở lên thoát nghèo. Để làm được điều này, cần có danh sách cụ thể, hoàn cảnh từng người ra sao, cần tác động gì để thoát nghèo.

Chủ trương của tỉnh Quảng Nam trong công tác giảm nghèo là không chạy theo thành tích mà phải gắn với địa chỉ cụ thể để đạt được hiệu quả thiết thực. Theo đó, khi triển khai cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo phải khảo sát kỹ, chủ yếu tập trung vào nhóm thiếu vốn, nhóm có lao động mới cho đăng ký, tuyệt đối không để đăng ký hưởng chính sách rồi lại tái nghèo. Trong quá trình khảo sát phải làm kỹ khâu thẩm tra, xác minh lại danh sách cụ thể, kiểm soát số liệu, thông tin chắc chắn. Hiện nay, việc xếp hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội không rõ ràng, bởi không phải trong hộ ai cũng thuộc diện bảo trợ, mà chỉ một người thuộc diện bảo trợ thì cả hộ ăn theo...

Ông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội phải có cơ chế riêng, qua hệ thống bảo trợ để tính phương án hỗ trợ hiệu quả nhất. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cần phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông thiết kế hệ thống theo dõi, đánh giá để giám sát tình trạng cụ thể của hộ nghèo. Danh sách phải cập nhật liên tục tình trạng hộ nghèo, thành kho dữ liệu để có biện pháp tác động liên tục. Sở LĐ-TB&XH và các địa phương cùng làm, cùng rút kinh nghiệm để mang lại hiệu quả trong giảm nghèo. Bên cạnh đó, con số hộ nghèo không được mập mờ, phải rõ ràng. Vì thế cần có hệ thống kiểm soát chặt chẽ nhất. Sau khi có danh sách hộ đăng ký thoát nghèo cụ thể, tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo đối với các địa phương, kết hợp kiểm tra thực tế để đưa ra biện pháp xử lý đối với những địa phương không kiên quyết trong giảm nghèo.

Còn theo ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, hiện nay chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Trong khi đó, hai chương trình này có sự tương tác, liên quan lẫn nhau. Đơn cử, về xây dựng nông thôn mới bao hàm cả tiêu chí giảm nghèo. “Trong tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh tập trung chủ yếu hộ dân tộc thiểu số (chiếm đến 56%). Chính vì thế cần tập trung đầu tư mạnh cho hộ nghèo có khả năng thoát nghèo. Bây giờ đã bóc tách được nguyên nhân nghèo rồi, hộ nghèo biến động nghèo vì nguyên nhân gì cũng cần cập nhật liên tục, bám sát để tác động chính xác”, ông Hồng chia sẻ thêm.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.