Bài 1: Giảm nghèo trên giấy
Áp đặt chỉ tiêu!
Tháng 1/2016, xã Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An) “cán đích” 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó đạt được tiêu chí hộ nghèo dưới 10%. Trước đó, vào năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn khoảng 26,03%, theo chuẩn nghèo đơn chiều.
Với một xã miền núi, có 1.433 hộ/5.650 nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm trên 70% thì đây là một kết quả cực kỳ ấn tượng. Nhưng “kỳ tích” này không phải bỗng nhiên mà có.
Nhớ lại vào thời điểm 2015, trước khi được công nhận đạt chuẩn NTM, ở Yên Khê rộ lên phong trào… viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo. Theo số liệu của UBND xã Yên Khê, tại thời điểm tháng 10/2015, toàn xã có 217 hộ viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã; chủ yếu là gia đình cán bộ, đảng viên.
Nhưng những hộ viết đơn xin thoát nghèo thực sự đã hết nghèo hay chưa? Theo chuẩn nghèo đơn chiều, chỉ tính bằng thu nhập thì rất khó để định lượng. Còn nếu theo chuẩn nghèo đa chiều, chỉ cần nhìn gia cảnh của một số hộ có đơn xin thoát nghèo ở Yên Khê thì cũng có thể thấy được việc thoát nghèo chỉ là hình thức.
Như trường hợp của vợ chồng Vi Văn Mạnh-chị Vi Thị Nhỏ (dân tộc Thái) ở bản Trung Hương, xã Yên Khê. Vợ chồng anh cùng hai đứa con sống trong một căn nhà cấp 4 tuềnh toàng. Không có đất sản xuất nên anh Mạnh phải đi làm thuê.
Hay trường hợp gia đình Lô Văn Dần-Lương Thị Lịch, cũng là một hộ có đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo năm 2015 của xã Yên Khê. Tài sản đáng giá nhất của gia đình là chiếc tivi đã cũ, hai vợ chồng không có công ăn việc làm, nuôi 8 miệng ăn và con cái đều đang tuổi học hành.
Với những dẫn chứng nêu trên có thể thấy kết quả giảm nghèo ở Yên Khê là có vấn đề. Nhiều hộ nghèo chưa thực sự thoát nghèo, nhưng vì để “cán đích” NTM cũng như chỉ tiêu giảm nghèo nên xã buộc phải “định sẵn” từng gia đình phải thoát nghèo trong từng mốc cụ thể.
Việc chạy theo chỉ tiêu giảm nghèo của Yên Khê chưa thể dừng lại. Bởi theo chỉ tiêu đã được huyện Con Cuông giao, trong năm 2018, Yên Khê phải giảm từ 4,5-5,5% hộ nghèo. Hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 8,3%; tức là, xã Yên Khê phải làm mọi cách để cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đạt dưới 3%. Điều đáng nói là liệu có quá sức đối với một xã miền núi còn rất khó khăn như Yên Khê?
Không chỉ Yên Khê mà toàn huyện Con Cuông cũng sẽ phải thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo. Năm 2018, huyện Con Cuông được UBND tỉnh Nghệ An giao giảm 4,5-5,5% hộ nghèo. Trong khi đó, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Con Cuông là 23,54%; mặc dù đã giảm 3,02% so với năm 2016 nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu giảm nghèo mà tỉnh đã giao trong năm 2017 (4%-5%).
Làm đơn thoát nghèo nhưng vẫn nghèo
Thực tế, việc giao chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm được xem là động lực để các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân vận dụng hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm thoát nghèo. Nhưng mặt trái của nó cũng đang lộ diện khi mà không ít địa phương, vì chạy theo chỉ tiêu nên kết quả giảm nghèo không thực chất.
Dễ nhận thấy nhất là, hết năm 2017, một số địa phương, nhất là ở các huyện nghèo 30a, có sự gia tăng tỷ lệ hộ nghèo đáng báo động. Do “chín ép” nên nhiều hộ nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo đã nhanh chóng tái nghèo.
Như huyện miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam, cuối năm 2017, toàn huyện có 2.325 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,40%), tăng 166 hộ so với cuối năm 2016. Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tăng là do hộ cận nghèo rơi xuống hộ nghèo quá nhiều.
Địa phương có tỷ lệ hộ tái nghèo nhiều nhất của huyện Tây Giang là xã Dang. Hết năm 2017, toàn xã có 24 hộ thoát nghèo thì lại có 6 hộ tái nghèo, 35 hộ cận nghèo bước xuống hộ nghèo, 5 hộ nghèo phát sinh; đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã lên thành 60,24% tổng số hộ, tăng 6% so với năm 2016.
Tình trạng tái nghèo và nghèo phát sinh lâu nay có một phần nguyên nhân từ việc đặt chỉ tiêu rồi buộc các hộ nghèo “phải thoát nghèo”. Đây cũng chính là vấn đề mà nhiều ý kiến băn khoăn trước những chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm của các địa phương.
Như tỉnh Quảng Nam, năm 2018, tỉnh này đặt chỉ tiêu có 5.000-5.500 hộ thoát nghèo; trong đó có ít nhất 3.600 hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Nhưng trước tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh đã và đang diễn ra, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX (diễn ra ngày 07/12/2017), nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội rằng, có hay không việc cán bộ xã, cán bộ thôn tự viết đơn xin đăng ký thoát nghèo cho dân. Ông Triều thừa nhận có tình trạng này; tuy nhiên, ông Triều cho rằng, do bà con không trình bày được “ý tưởng” thoát nghèo nên “nhờ” cán bộ xã, cán bộ thôn viết dùm chứ không phải là cán bộ tự ý viết đơn rồi đem lên để đăng ký thoát nghèo (!?).
Từ câu chuyện ở Nghệ An, Quảng Nam để thấy, việc giao chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm đang trở thành một áp lực cho chính quyền địa phương, làm nảy sinh những biện pháp… thoát nghèo không thực chất. Điều này đã khiến cho không ít báo cáo giảm nghèo chỉ là những “con số đẹp”.
SỸ HÀO