Lệ thuộc quá lớn vào một thị trường
Mặc dù những năm gần đây, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực và thế giới, nhưng vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cơ hội bán được hàng qua thị trường này, cũng rất hấp dẫn nên doanh nghiệp không dễ từ bỏ, dù đối mặt nhiều rủi ro.
Hàng hóa nông sản của chúng ta đang lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Ngay cả đầu vào nông nghiệp như vật tư, phân bón… gần như 90% phải nhập từ Trung quốc để sản xuất, chúng ta phụ thuộc cả đầu vào lẫn đầu ra.
Nếu chúng ta không từ bỏ kiểu mua bán biên mậu dễ dãi, không tìm giải pháp giảm phụ thuộc hay có ứng phó với xu thế thị trường, với các chính sách thay đổi thường xuyên của Trung Quốc thì sẽ còn tiếp tục gặp khó.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL
Thời gian gần đây, Trung Quốc dần trở thành thị trường khó tính và bắt đầu quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, siết chặt hơn con đường tiểu ngạch. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, nước này càng kiểm tra gắt gao hơn.
Minh chứng là hơn nửa tháng nay, tại khu vực cửa khẩu biên giới của tỉnh Lạng Sơn giáp với Trung Quốc đang ùn tắc nghiêm trọng do Trung Quốc đóng cửa khẩu. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc hàng hoá sang Trung Quốc, là phía bạn phát hiện virus SARS-CoV-2 trên phương tiện và bao bì sản phẩm của Việt Nam.
Nhiều xe hàng nông sản như mít, thanh long, chuối… phải nằm chờ dài ngày không thể thông quan khiến cho hàng hoá bị hư hỏng nặng, các tiểu thương và lái xe phải đổ bỏ. Một số chủ hàng khác đã điều lái xe chở hàng quay lại TP. Lạng Sơn, đỗ dọc Quốc lộ 1 để "bán tháo" với mong muốn gỡ gạc lại phần nào vốn.
Theo thống kê mới nhất hiện nay, có khoảng 6.200 xe hàng đang ùn ứ ở các cửa khẩu của Lạng Sơn. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: Thiệt hại trong đợt ùn ứ này là rất lớn. Con số có thể lên tới vài nghìn tỷ đồng. Ước tính trị giá hàng hóa trên mỗi xe container hàng cùng với các khoản chi phí có thể lên đến khoảng 600 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp, chủ hàng, đây là khối tài sản vô cùng lớn.
Trước tình trạng ùn ứ như hiện nay, cơ quan chức năng cũng đã có biện pháp để tháo gỡ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp nhất thời và trước mắt, câu hỏi lớn đặt ra là bao giờ các cửa khẩu thôi mắc nghẽn, bởi như đã nói - tình trạng này đã xảy ra nhiều năm.
Câu chuyện ùn ứ, mắc kẹt hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc vốn không có gì mới, nó đã xảy ra thường xuyên và nhiều năm qua. Nếu để ý sẽ thấy, cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, khi vào vụ thu hoạch hoặc khi nước bạn chuyển trạng thái đóng mở thông quan, thì chúng ta luôn nằm trong thế bị động, gây lao đao cho người dân và doanh nghiệp.
Linh hoạt nhiều phương án
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dự báo, trong quý I/2022, sản lượng 15 loại trái cây chính ở các tỉnh thành phía Nam đạt 1,606 triệu tấn với nhiều mặt hàng như thanh long, chuối, xoài, mít… Ðiều lo ngại lúc này là, sản lượng trái cây ở miền Nam trong tháng 12 khoảng 737.000 tấn, sẽ bán đi đâu cho hết?
Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp tìm được lối đi riêng khi xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, EU… thì họ không có gì bận tâm, lo lắng, thậm chí là giá bán hàng hóa nông sản vẫn rất cao.
Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EU, ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư thứ Nhất/Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020, đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ liên kết thương mại song phương của hai nền kinh tế. Đây cũng có thể coi là một công cụ quan trọng, giúp các nhà xuất khẩu từ châu Âu và Việt Nam vượt qua những trở ngại do sự bùng phát của Covid-19 và gián đoạn cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử quốc tế càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương thức hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn.
Ông Đỗ Tuấn Lương, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (tỉnh Yên Bái) cho biết: Nhờ đẩy mạnh việc quảng bá và xuất khẩu hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, đến nay doanh thu của HTX đã đạt 1 triệu USD. Các sản phẩm chè của HTX có mặt tại Bắc Mỹ, Trung Đông… thương mại trực tuyến quốc tế là giải pháp hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn ra thị trường nước ngoài không chỉ trong thời điểm đại dịch bùng phát mà cả trong tương lai.
Tuy nhiên, để xuất khẩu sang thị trường tiềm năng, với 500 triệu dân của châu Âu cũng đòi hỏi phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe. Các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu rất cao nhưng người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng. Nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài. Ngay cả thị trường Trung Quốc, từ ngày 1/1/2022 nếu không cấp mã vạch thì hàng Việt Nam cũng sẽ rất khó để vào được thị trường này theo con đường chính ngạch.
Về lâu dài phải tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác, phát triển chuỗi dịch vụ logistics, thông tin thị trường, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các chuỗi sản xuất nông nghiệp, cung ứng hàng xuất khẩu đủ mạnh, thích ứng, không bị đứt gãy.