Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gắn kết dạy nghề với nông thôn mới ở K’Bang

PV - 11:18, 15/05/2018

Khi bắt tay chiêu sinh và đào tạo hàng loạt học viên, chủ yếu là người DTTS trên địa bàn, huyện K’Bang (Gia Lai) xác định, công tác dạy nghề phải song hành với việc làm từ xây dựng nông thôn mới (NTM).

Những lao động có tay nghề này sẽ được các nhà thầu cam kết tuyển dụng để xây dựng công trình dự án ở chính quê hương mình, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây được xem là cách làm hay của huyện vùng sâu K’Bang.

Học nghề thiết thực, có việc ngay

Để tạo điều kiện cho lực lượng lao động của địa phương có việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện đã tạo nên sợi dây kết nối chặt chẽ giữa các nhà thầu xây dựng với các học viên của địa phương đã tốt nghiệp nghề thợ nề. Huyện K’Bang cũng chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn phải thường xuyên quan tâm bố trí việc làm, các công trình xây dựng trên địa bàn xã, thị trấn nào thì cần bố trí lao động địa phương vào làm việc.

Các công trình do người Ba Na ở K’Bang tham gia xây dựng. Các công trình do người Ba Na ở K’Bang tham gia xây dựng.

Xác định nghề thợ nề là một trong những nghề thiết thực, đào tạo là có việc làm ngay nên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên K’Bang đến tận các thôn buôn để tuyển sinh, vận động người dân tham gia học nghề. Riêng từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2018 đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho gần 120 học viên học nghề thợ nề. Trong số này chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na, Xơ-đăng…

Anh Đinh Văn Trúc, người Ba Na ở làng Tờ Mật, xã Đông chia sẻ: Mình vừa tốt nghiệp nghề thợ nề xong. Trước cứ nghĩ làm xong vài vạt rẫy rồi tụ tập cùng thanh niên trong làng đi chơi, uống rượu nên cuộc sống chẳng khấm khá lên được. Thời gian nhàn rỗi nhiều mà cuộc sống lại cứ khó khăn nên khi được vận động đi học nghề sẽ có thu nhập ổn định hằng tháng, mình đi học ngay. Ngay cuối tháng 5/2018 này, mình sẽ chính thức làm công nhân xây dựng cho một công ty đang thi công đường NTM ở huyện.

Theo anh Trúc và nhiều học viên người Ba Na khác thì khi tham gia các lớp học nghề, học viên được chỉ bảo tận tình các kỹ thuật từ dễ đến khó như: Phân loại vật liệu, kỹ thuật trộn vữa xây trát, kỹ thuật đào móng, trộn bê tông, ốp lát chỉ… Đặc biệt, trong quá trình đào tạo học lý thuyết đến đâu thực hành đến đó nên học viên nắm vững kiến thức hơn.

Hầu hết các học viên sau khi nhận chứng chỉ đã có việc làm ngay. Anh Đinh Văn Blăng (người Ba Na ở làng Tờ Mật, xã Đông) cho biết: Được học theo kiểu cầm tay chỉ việc nên khi tốt nghiệp ra đi làm không còn bỡ ngỡ nữa. Các chủ công trình xây dựng nhà cửa, cơ quan, cầu cống… ở huyện đều đánh giá người Ba Na, Xơ-đăng… chúng tôi làm việc có tiến bộ nên ai cũng vui và háo hức làm việc hơn.

Vươn lên thoát nghèo

Sát cánh với công tác giải quyết việc làm ở địa phương, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông khẳng định: Xã luôn sâu sát với công tác dạy nghề. Lớp học nghề nào chuẩn bị bế giảng là xã lên kế hoạch bố trí việc làm ngay. Đặc biệt, nghề thợ nề hiện nay rất chuộng. Các chủ công trình xây dựng NRM ở xã đều sẵn sàng nhận lao động đã được đào tạo vào làm việc. Vừa làm, người địa phương vừa được rèn luyện và nâng cao thêm kỹ năng nghề nghiệp thông qua thực tế.

Nhiều lao động người Ba Na ở xã Đông sau khi học nghề thợ nề xong có việc làm ngay. Nhiều lao động người Ba Na ở xã Đông sau khi học nghề thợ nề xong có việc làm ngay.

Không chỉ tích cực vào các doanh nghiệp xây dựng công trình NTM để làm việc, nhiều lao động là người DTTS ở K’Bang còn tự nhận một số công trình xây dựng nhà ở quanh thôn xã của mình. Anh Đinh Tiếp ở thôn 2, xã Đắk HLơ vui mừng, kể: Mình học xong nghề, làm cho các công trình NTM một thời gian, kỹ thuật được củng cố nên bà con ở một số thôn buôn khi làm nhà xây cấp 4 đã giao cho mình và các học viên khác ở địa phương tiến hành. Kỹ thuật làm nhà cấp 4 cũng không khó nên chúng tôi làm rất đảm bảo. Từ ngày học nghề, tình trạng rượu chè say xỉn lúc nông nhàn giảm hẳn, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Nhìn những con đường bê tông láng mịn chạy qua địa bàn xã, anh Đinh Bluc ở thôn Tuch Răn, xã Kông Pla tự hào: Những con đường này đều hình thành trong Chương trình xây dựng NTM và chúng tôi được tham gia xây dựng nó. Được các nhà thầu nhận vào làm, trả công 6 triệu đồng/tháng vừa thoát nghèo vừa vui thích vì được làm nghề trên chính, địa phương của mình. Thông qua lao động trong các doanh nghiệp, những người Ba Na, Xơ-đăng chúng tôi cũng thay đổi thói quen lao động, dần hình thành tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.

ĐÔNG HƯNG - MỸ NGA

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.