Bài 1: Truyền thống văn hóa trong những món ăn
Về phố ăn đồ rừng
Sau chuyến công tác Tây Bắc mệt nhoài, cuối tuần, anh bạn hàng xóm mời sang ăn tiệc. Anh quê miền biển Hải Phòng, gặp và thân từ khi chúng tôi cùng nhau “chạy long tóc gáy” làm hồ sơ mua nhà ở xã hội để định cư ở Thủ đô.
“Hôm nay đãi cậu toàn đồ rừng nhé”, anh nói và bưng mâm ra. Nhìn qua thì chẳng có gì đặc biệt: một đĩa cá nướng được bọc giấy bạc, một con vịt quay vàng ươm, rồi thêm đĩa đu đủ ướp và sáu ống cơm lam. Không phải là người trong nghề ẩm thực nhưng đi miền núi nhiều, tôi biết mâm cỗ có gốc từ… vùng cao.
Nhẹ tay mở bọc giấy bạc, anh giới thiệu: “Đây là món cá “Pa pỉnh tộp” của người Thái, vợ tôi vừa nhận hàng từ Sơn La gửi xuống. Chỉ to hơn bàn tay thế này mà những 130 nghìn đồng cơ đấy”.
Thấy anh lăn tăn chuyện giá, tôi bảo: “Đắt đỏ gì. Cậu có biết con cá này được đồng bào tẩm ướp bằng những gia vị chỉ có ở vùng cao hay không, hơn 10 loại gia vị đấy. Lại được nướng bằng bếp củi, rồi còn kèm thêm nước chấm. Đó là chưa kể chi phí vận chuyển từ Sơn La xuống nữa”.
Không để anh kịp nói, tôi tranh thủ “xả” kiến thức về đặc sản vùng cao: Đây là vịt quay Cao Bằng, mua ở Hà Nội sơ sơ cũng 300 nghìn đồng/con; đây là đu đủ ướp, mua cũng mất 60 nghìn đồng; còn kia là cơm lam, 10 nghìn đồng/ống, vị chi 60 nghìn đồng…
Thấy chủ đề xoay quanh chuyện ẩm thực, vợ bạn tôi thêm vào: “Đúng đấy bác ạ! Gia đình em cùng nhiều bạn bè khác rất thích ẩm thực vùng cao, thậm chí cả dưa muối cũng đặt mua. Em giờ thành tay “shíp” hàng, đứng ra gom nhu cầu rồi đặt hàng trên đó gửi về. Như đĩa cá nướng, lần này em cũng đặt 20 con, chứ 1 con thì ai chuyển cho. Còn vịt quay Cao Bằng thì có cửa hàng ở Hà Nội bán rồi”.
Thoát nghèo nhờ đặc sản
Thực ra, không chỉ gia đình bạn tôi mà vài năm gần đây, người tiêu dùng ở miền xuôi rất ưa chuộng thực phẩm của đồng bào các dân tộc vùng cao. Yếu tố đầu tiên làm nên đặc sản của vùng cao là sạch, nhất là trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang là một vấn đề khiến người tiêu dùng rất lo lắng như hiện nay.
Thứ nữa, đó chính là “lạ”. Hầu hết các đặc sản của đồng bào các DTTS đều là những thực phẩm thông thường, là thịt, cá, rau, củ quả,… Nhưng nét “lạ” ở đây là cách chế biến, là gia vị đặc trưng, là sự chỉn chu đến mức cầu kỳ, gói ghém cả một truyền thống văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào.
Trong một lần trao đổi với ông Lâm Văn Khang, Quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông chia sẻ rằng, hầu hết các món ăn của đồng bào vùng cao đều được làm từ những sản vật nông nghiệp bản địa; nhiều món ngon đã trở thành đặc sản nổi tiếng như thịt trâu gác bếp, măng rừng, thịt chua, cơm lam, cá nướng,… Cùng một món ăn nhưng mỗi dân tộc lại có cách chế biến riêng.
Như món thịt chua của đồng bào Mường ở Thanh Sơn (Phú Thọ) thì nguyên liệu chính là thịt lợn và thính rang xay mịn. Còn thịt chua của dân tộc Dao ở Hàm Yên (Tuyên Quang) là thịt lợn, riềng, cơm nếp, lá cơm đỏ. Cùng những nguyên liệu, các loại gia vị đặc biệt khác, đặc sản thịt chua của người Mường có vị rất khác so với đặc sản thịt chua của người Dao.
Đặc sản ẩm thực vùng cao đã và đang lan tỏa truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào các DTTS. Không những vậy, nhiều món ngon được người tiêu dùng ưa thích đang góp thêm thu nhập cho mỗi gia đình.
Thử làm phép tính: 20 con “Pa pỉnh tộp” mà gia đình bạn tôi đặt hàng chuyển về Hà Nội, với giá 130 nghìn đồng/con thì số tiền thu được là 2,6 triệu đồng. Cứ cho chi phí nguyên liệu, vận chuyển,… chiếm 50% thì bà con vẫn còn lãi 1,3 triệu đồng. Cộng với nhiều sản phẩm khác, việc thoát nghèo, làm giàu từ đặc sản là chắc chắn.
Sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực đang cùng với các sản phẩm du lịch khác thu hút du khách đến nhiều hơn những bản làng vùng cao. Từ đó, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái,… đã góp một phần đáng kể vào tăng thu ngân sách địa phương, giúp nhiều gia đình đồng bào DTTS có thêm thu nhập.
Bài 2: “Loạn” giá đặc sản
SỸ HÀO