Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Đồng bào DTTS hướng về nghị trường

PV - 08:44, 05/06/2018

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã đi được nửa chặng đường với những dấu ấn của Quốc hội tranh luận, phản biện.

Nhiều vấn đề về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã và đang được các đại biểu quan tâm kiến nghị. Trên từng bản làng, phum, sóc…, đồng bào các DTTS luôn hướng về Quốc hội với niềm tin về sự đổi mới.

Xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam những ngày tháng 5 nắng nóng trên khắp bản làng. Chúng tôi dừng chân ở thôn Long Túc. Đây là thôn tái định cư theo chương trình quy hoạch, sắp xếp dân cư tập trung. Những ngôi nhà mới được mọc lên nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của đồng bào Xơ-đăng.

Đồng bào DTTS xã Trà Nam, huyện Nam Trà My mong muốn Quốc hội quan tâm hơn đến cuộc sống của đồng bào. Đồng bào DTTS xã Trà Nam, huyện Nam Trà My mong muốn Quốc hội quan tâm hơn đến cuộc sống của đồng bào.

 

Vừa chuyển về nơi ở mới từ tháng 6/2017, gia đình bà Đinh Thị Liễu được hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế. Bà chia sẻ: Tôi rất vui mừng khi được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ dành cho đồng bào DTTS. Các con được đến trường. Nhưng quê chúng tôi còn nghèo lắm. Bà con chỉ trông chờ vào nương rẫy mà cuộc sống không đủ ăn. Nhiều thanh niên phải xa quê kiếm sống. Tôi mong muốn Quốc hội quan tâm để đời sống của người dân tái định cư được ổn định.

Xã Trà Nam có 5 thôn với 713 hộ, gần 100% đồng bào dân tộc Xơ-đăng sinh sống với gần 50% là hộ nghèo. Kinh tế chủ lực của đồng bào DTTS nơi đây chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho biết: Trà Nam là xã nghèo nên cũng nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào còn khó khăn. Hiện nay, toàn xã có 3/5 thôn có điện lưới quốc gia. Còn hai thôn vẫn chưa có điện.

“Đồng bào DTTS ở Trà Nam tham gia các buổi họp thôn, tiếp xúc đại biểu HĐND rất đông đủ. Họ đã mạnh dạn phát biểu ý kiến, đề xuất về những vấn đề họ quan tâm. Đồng bào thường xuyên theo dõi các thông tin về kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Mong rằng Quốc hội quan tâm hơn đến các chính sách cho đồng bào DTTS. Các chính sách phải phù hợp với từng địa phương. Quan tâm đến hệ thống điện, đường giao thông. Có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có công ăn việc làm, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương…”, ông Phương chia sẻ.

Với đồng bào DTTS, mỗi người có mối quan tâm, theo dõi Quốc hội theo cách khác nhau. Nhưng tựu chung, họ đều mong muốn những chính sách dân tộc đi vào thực tiễn. Vấn đề việc làm được nhiều thanh niên DTTS quan tâm. Làm thế nào để thanh niên DTTS khởi nghiệp ở chính mảnh đất họ sinh ra là điều họ mong mỏi nhất.

Em Hoàng Thùy Linh (TP. Hà Giang), sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Em thường đọc báo mạng để tìm hiểu thông tin, trong đó có thông tin về Quốc hội. Điều chúng em mong chờ nhất là Nhà nước có chính sách ưu tiên sắp xếp, bố trí việc làm đối với con em DTTS. Em lo học xong không biết có xin được việc làm hay không vì quê em nhiều bạn học xong không xin được việc nên phải bỏ quê hương đi làm cho các công ty tư nhân ở các thành phố lớn”.

Có thể thấy, cơ sở hạ tầng, sinh kế bền vững, hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp… là điều mà nhiều cử tri vùng đồng bào DTTS mong mỏi Quốc hội quan tâm giải quyết nhất.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5 đang diễn ra. Điểm đổi mới của phiên chất vấn là hỏi nhanh, đáp gọn. Điều này giúp vấn đề đại biểu quan tâm được trả lời đúng, trúng và nhanh nhất. Trách nhiệm đặt lên vai những đại biểu của dân. Họ mang theo niềm tin và kỳ vọng mà đồng bào DTTS đã gửi gắm. Hy vọng, cuộc sống của đồng bào DTTS sẽ có sự đổi thay; vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, hòa vào dòng chảy chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

THANH HUYỀN