Ghé thăm một vườn ổi đang độ thu hoạch tại Châu Thành, Đồng Tháp chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì tình trạng ổi chín nhưng vẫn ở trên cây. Lý giải cho điều này, anh Huỳnh Văn Châu cho biết: “Giá bán quá thấp mà tôi không tự thu hái được, phải thuê người hái trái. Tính ra nếu bán còn phải phụ thêm công hái trái nên đành bỏ không”.
Anh Châu đành chặt bỏ những gốc ổi đầy quả chín chưa thu hoạch để tính trồng cây khác. Anh cho biết, vườn ổi này mới thu hoạch được một vụ, nhưng với mức giá như thế này thì càng trồng càng lỗ.
Tiền bán trái không đủ trả tiền công thu hoạch, nhiều nhà vườn đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề. Theo tính toán của các người dân, ổi phải bán được từ 3000 đồng/kg trở lên, nông dân mới bắt đầu có lãi. Với giá chưa đến 1000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ các loại chi phí như phân bón, túi xốp bao ổi, tiền thuê nhân công bao trái, hái trái, mỗi ha ổi nông dân lỗ trên dưới 60 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ba, nông dân có thâm niên trồng cây ăn trái tại Châu Thành, cho biết giá, nhãn giảm mạnh theo từng ngày. Nếu như mấy ngày trước, thương lái thu mua với giá 13.000 đồng/kg nhãn thì nay, giá nhãn chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc mở rộng diện tích trồng cây ăn trái ồ ạt không theo quy hoạch, khiến lượng trái cây dư thừa dẫn đến giá cả xuống thấp ở thời điểm thu hoạch chính vụ.
Năm 2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam cán mốc 3 tỷ USD. Nhiều trái cây xuất khẩu thắng lợi, đem lại thu nhập tốt cho bà con nông dân vùng ĐBSCL. Theo Cục Trồng trọt, hiện đã có 5 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu tươi sang các thị trường khó tính là xoài, vú sữa, nhãn, thanh long và vải thiều với giá bán rất cao so với tiêu thụ nội địa. Chính vì vậy, phong trào chuyển đổi từ các loại cây trồng truyền thống sang cây ăn trái bùng phát tại nhiều địa phương.
Theo Cục Trồng trọt, trong năm 2018, vùng Nam bộ sẽ chuyển cây trồng trên đất lúa với hơn 120 nghìn ha, trong đó, có nhiều diện tích trồng cây ăn trái. Hiện diện tích cây ăn trái tại ĐBSCL lớn nhất cả nước, chiếm gần 40% về diện tích và khoảng 60% về sản lượng.
TS. Tống Khiêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho rằng, bên cạnh phát triển vùng trồng không có quy hoạch, việc chú trọng phát triển số lượng không đi đôi với chất lượng cũng khiến nhiều trái cây ế hàng.
Ngoài ra, phần lớn diện tích trồng chưa áp dụng các quy trình sản xuất sạch như GlobalGAP, VietGAP, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm... dẫn đến tiêu thụ khó khăn, giá bán giảm mỗi khi trái cây xuất khẩu gặp khó.
Thiên Đức