Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Độc đáo Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu

Ngọc Chí - 22:52, 08/06/2024

Làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) là nơi sinh sống tập trung của dân tộc Brâu, một trong những dân tộc thiểu số ít người hiện nay ở Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung. Xuất phát từ yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, cộng đồng người Brâu đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo. Trong đó, Lễ cúng trỉa lúa là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh những ước mong, hy vọng của người Brâu về một vụ mùa thu hoạch được nhiều lúa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Trước đây, với hình thức canh tác du canh du cư, nên trước mỗi mùa rẫy, người Brâu tiến hành tìm khu rẫy mới. Khi đã chọn được khu đất ưng ý, chủ nhà lấy cây Hla Klro đánh dấu vị trí khu đất của gia đình mình. Theo người Brâu, đất nào có cây Hla Klro thì lúa rẫy mới xanh tốt. Sau khi đánh dấu đất xong sẽ tiến hành phát một khoảng nhỏ để làm phép.

Ông Thao La, làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: Trong quá trình phát rẫy, chủ nhà khấn thần linh “hôm nay mình làm phát rẫy, từ nay đất này đã có chủ rồi, xin cho khu đất của nhà mình sau này trồng gì cũng đẹp, cũng tốt, không cho con heo, con chim, con khỉ vào phá rẫy”.

Sau mùa đốt rẫy khoảng 1 đến 2 tháng, người Brâu làm Lễ cúng trỉa lúa. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm của người Brâu. Là phần lễ khởi đầu cho một vụ mùa, nên việc tổ chức lễ và cúng tế phải thể hiện được sự linh thiêng và trang trọng.

Phụ nữ bóc vỏ cây mây đắng để chế biến phục vụ cho Lễ cúng trỉa lúa
Phụ nữ bóc vỏ cây mây đắng để chế biến phục vụ cho Lễ cúng trỉa lúa

Để chuẩn bị cho ngày lễ, trước đó vài ngày, già làng kêu gọi dân làng chuẩn bị mỗi nhà một ghè rượu, thanh niên trai tráng trong làng thì vào rừng chặt mây đắng; nhóm khác thì đi bẫy con chim, con chuột còn phụ nữ thì đi xúc cá, hái rau rừng; một nhóm khác nữa thì ở nhà trang trí nơi cúng lễ, dựng cây nêu. Vào ngày tổ chức lễ hội, già làng thông báo bà con tập trung lên nhà Rông. Tham gia lễ người Brâu bắt buộc phải mặc các trang phục truyền thống, đối với đàn ông thì mặc khố, đàn bà mặc Ktu.

Già làng A Ốt, làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Theo tập quán, người Brâu thường gieo lẫn các loại hạt giống bầu bí, cà cùng với giống lúa nên người phụ nữ chủ gia đình sẽ chuẩn bị các loại hạt giống như: lúa, bầu, bí, bắp... bỏ vào gùi đem lên nhà Rông. Sau khi các công đoạn đã chuẩn bị xong, vật hiến sinh được lần lượt đưa vào cây nêu. Thầy cúng thường là già làng uy tín tiến hành nghi thức cúng.

Thực hiện nghi thức cúng chiêng Tha, đây là nghi thức quan trọng nhất trong Lễ cúng trỉa lúa
Thực hiện nghi thức cúng chiêng Tha, đây là nghi thức quan trọng nhất trong Lễ cúng trỉa lúa

Trong Lễ cúng trỉa lúa cũng như các lễ hội khác, thủ tục cúng chiêng Tha và mời Tha ăn là quan trọng nhất, vì người Brâu cho rằng, chiêng Tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, là tổ tiên của họ. Vì vậy, để mời Tha nói trước tiên phải làm lễ mời Tha ăn, mời Tha uống. Để thực hiện nghi thức, già làng lấy tiết gà bôi vào lòng 2 chiếc chiêng rồi rót rượu vào chiêng vừa khấn mời Tha ăn, Tha uống.

Ông A Dua, làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, người phụ trách nghi thức cúng cho biết: Khi các nghi thức cúng hồn lúa đã hoàn tất thầy cúng uống cang rượu đầu tiên, sau đó dân làng cùng đến uống ché rượu thiêng để mong thần linh chứng giám, phù hộ cho gia đình mình. Những người tham dự cũng được mời uống để sẻ chia sự khẩn cầu và niềm vui vào mùa vụ gieo trồng mới.

Già làng thực hiện nghi thức cúng trên ghè rượu mời thần linh về uống, chứng giám cho dân làng
Già làng thực hiện nghi thức cúng trên ghè rượu mời thần linh về uống, chứng giám cho dân làng

Sau phần lễ là phần hội diễn ra tưng bừng, vui vẻ với sự tham gia của cả cộng đồng. Không gian lễ cúng trỉa lúa rộn rã trong nhịp trống, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn đing put, dân ca, dân vũ..., những cô gái Brâu trong trang phục truyền thống uyển chuyển trong các điệu múa, cùng các chàng trai bên ché rượu cần. Tất cả hòa quyện, tạo nên một lễ hội đậm bản sắc văn hóa.

Sau phần lễ hội, già làng sẽ gói các hạt giống đã cúng tế chia cho các gia đình về làm phép. Những hạt giống đó được mang về trộn chung với hạt giống của mỗi gia đình, và họ đem đi trỉa đại trà trên rẫy để khởi đầu cho một vụ mùa mới.

 Dân làng được mời uống rượu ghè và thưởng thức các vật cúng tế sau lễ cúng
Dân làng được mời uống rượu ghè và thưởng thức các vật cúng tế sau lễ cúng

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Lễ cúng trỉa lúa là lễ hội nông nghiệp có ý nghĩa trong cuộc sống của người Brâu, chuẩn bị cho một mùa vụ trồng trọt và đưa hạt giống về với nương rẫy. Việc tổ chức phục dựng Lễ cúng trỉa lúa ngoài mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thì đây cũng là dịp để bà con kết nối, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng làng.

Lễ cúng trỉa lúa là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Brâu ở Kon Tum mang đậm tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Người Brâu tin rằng, sau lễ cúng trỉa lúa, các Yàng đã nhận lời khẩn cầu và sẽ phù trợ cho hạt giống gieo xuống nảy mầm, cây trồng tươi tốt, nhà nhà no đủ.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.