Bứt tốc phát triển
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang bứt tốc, số doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 20 năm (2004 - 2024) đã đạt hơn 2,1 triệu; số doanh nghiệp thành lập mới đến năm 2024 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 doanh nghiệp/1.000 dân năm 2004 lên 9,2 doanh nghiệp/1.000 dân năm 2024.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Không chỉ trong nước, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, THACO, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan...
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đang đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong 9 tháng năm 2024, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi rõ nét trên các lĩnh vực. Lũy kế thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD... Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt đà tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong đó chủ yếu là sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Với tinh thần kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn nhiều, niềm tin vào thể chế được củng cố, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong năm 2025 tới cao gấp 5 lần so với các kỳ khảo sát trước.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, đội ngũ doanh nhân đang phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, khẳng định thương hiệu doanh nghiệp và vị thế của thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước. Theo định hướng phát triển đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt khoảng 8%. Đặc biệt, đến năm 2030, thành phố sẽ đạt GRDP bình quân đầu người 13.000 USD, trở thành trung tâm kinh tế của Đông Nam Á. Để giữ được vai trò vị thế, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thời gian tới.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung hoàn thiện, cải cách thể chế hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Thành phố đang thực hiện chiến lược xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn tầm cỡ khu vực và thế giới; đồng thời, triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, phát triển kinh doanh ra nước ngoài để gây dựng thương hiệu quốc gia và chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Phát huy vai trò tiên phong
Trong bối cảnh dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn luôn nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, duy trì công ăn việc làm cho người lao động và tạo sinh kế cho người dân. Các doanh nghiệp, doanh nhân đã thường xuyên, tích cực đóng góp vào việc thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng chính sách và pháp luật...
Tại cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp, doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về sự bứt tốc của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Thời gian tới, trong bối cảnh thách thức, cơ hội và thuận lợi đan xen, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương luôn tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Đặc biệt, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm thời đại hòa bình hiện nay.
“Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong: Thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực); phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ; củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tiên phong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân:
Năm 2024 chuẩn bị kết thúc và bước sang năm cuối nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tin tưởng 15 chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu nhiệm kỳ sẽ đạt được, trong đó mức tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6-6,5% và đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao, tầm nhìn đến năm 2045 là quốc gia công nghiệp phát triển, thu nhập cao. Lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, hàng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu ngân sách Nhà nước và 60% lao động, để gia tăng số lượng "đàn sếu" của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ thời gian tới cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa:
Để TP Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, các doanh nghiệp, doanh nhân cần chung tay đoàn kết hơn nữa để tự đổi mới về tư duy, tâm thế, trình độ, làm tiền đề kiến tạo nên những đột phá mới mang tính chiến lược về kinh doanh dựa trên tri thức, sáng tạo, công nghệ và sự hợp tác. Từ đó, các doanh nhân TP Hồ Chí Minh nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung có thể cùng nhau vươn cao về tầm vóc và xa hơn về thị trường, đóng góp thiết thực hơn nữa cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và cả nước.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Tào Đức Thắng:
Việc đầu tư ra nước ngoài đã góp phần định vị Viettel trên thương trường quốc tế. Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia, với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính, với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD. Doanh nghiệp kinh doanh ở nước ngoài cần điểm tựa, nhất là tại những nước không có đại sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư; đồng thời, cần có chiến lược để doanh nghiệp tự tin ra biển lớn.
Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.