Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điểm sáng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

PV - 14:31, 10/07/2019

Hàng chục năm qua, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk đã phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), xây dựng khu dân cư an toàn giúp người dân yên tâm làm ăn sinh sống. Huyện Ea Kar trở thành điểm sáng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lực lượng Công an xã Ea Ô đi tuần tra. Lực lượng Công an xã Ea Ô đi tuần tra.

10 năm trước, xã Ea Ô từng là điểm nóng phức tạp về an ninh, thường xuyên xảy ra trộm cắp, gây rối mất trật tự công cộng, Công an xã Ea Ô đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương và triển khai hiệu quả các mô hình ANTT trên địa bàn xã.

Năm 2011, mô hình tiếng kẻng an ninh được triển khai tại 21 thôn theo hướng khép kín và tuân theo quy chế thống nhất các hiệu lệnh kẻng: kẻng báo thức lúc 5 giờ sáng; kẻng khuyến học lúc 19 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần trong năm học; kẻng báo yên lúc 22 giờ đêm; kẻng báo động (3 hồi, mỗi hồi 3 tiếng dồn dập, liên tục). Từ khi triển khai mô hình này, tình hình ANTT có những chuyển biến tích cực, răn đe các loại đối tượng phạm tội, nâng cao ý thức tự giác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh thôn xóm của người dân. Số vụ vi phạm hình sự giảm hẳn, nhiều vụ trộm cắp được Nhân dân phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Trong 3 năm đầu hoạt động, người dân đã bắt 13 đối tượng, thu giữ nhiều hung khí, 3 đối tượng trộm chó.

Ông Trương Bá Quý đảm nhận việc đánh kẻng thôn 3B chia sẻ: Gần 10 năm nay, tiếng kẻng đã trở thành âm thanh quen thuộc lan truyền tin tức cho người dân. Nhờ tiếng kẻng mà sinh hoạt của nhiều gia đình đi vào nền nếp, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, khơi dậy tinh thần hiếu học của con em trong xã. Thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương các huyện khác cũng đến thăm quan và học tập.

Ngoài mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, năm 2014, Công an xã Ea Ô tiếp tục triển khai mô hình “Doanh nhân với an ninh trật tự” để giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người chấp hành án phạt trở về hòa nhập cộng đồng, tu chí làm ăn. Mô hình đã huy động gần 200 triệu đồng vào “Quỹ hoàn lương” cho 17 người vay. Ngoài ra, Ban Công an xã còn đứng ra vay tín chấp hơn 500 triệu đồng từ các nguồn vốn vay ưu đãi cho 19 người vay, hỗ trợ 3 con bò cho 2 người. Tất cả các trường hợp được giúp đỡ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và hòa nhập tốt với cộng đồng.

Sau khi chấp hành án trở về, ông Phan Xuân Đinh, thôn 5A được chính quyền địa phương, Công an xã giúp đỡ vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và “Quỹ hoàn lương”, ông mạnh dạn đầu tư nuôi heo giống, mở rộng quy mô 32 con heo nái, mỗi năm trừ chi phí ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, Công an xã Ea Ô còn triển khai mô hình “Loa tuyên truyền lưu động” và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Công an xã chọn lọc, thu âm thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt để các thành viên chạy xe máy gắn loa di động đến các khu vực đông dân cư phát. Để thu hút nhiều người nghe, loa tuyên truyền thường phát buổi sáng sớm (từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30) và buổi chiều tối (từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30).

Ông Vũ Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Ea Ô khẳng định: Các mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc do Công an xã Ea Ô triển khai đã kiềm chế tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn xã. Từ một địa bàn phức tạp về ANTT, nay Ea Ô đã giữ vững tiêu chí số 19 đảm bảo ANTT trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ những hiệu quả tích cực như vậy, các mô hình này được quần chúng Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, các cấp chuyên môn đánh giá cao. Năm 2015 và 2017, Công an xã Ea Ô vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an tặng Bằng khen; Tập thể Công an xã Ea Ô được Bộ Công an tặng Bằng khen điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2006-2018.

Đúc kết kinh nghiệm từ xã Ea Ô, năm 2018, Công an huyện Ea Kar đã tiến hành khảo sát, lựa chọn nhân rộng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại 17 thôn, buôn trên địa bàn 12 xã. Huyện cũng đã nhân rộng các mô hình: “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”; “Khu dân cư không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội”; “Trường học, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự”, “Trẻ em không làm trái pháp luật”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Doanh nghiệp, doanh nhân với an ninh trật tự”, “Bóng đèn an ninh”, “Cọc rào an ninh”...; tổ chức cho Nhân dân ký cam kết xây dựng mô hình “Xã không có tệ nạn ma túy” và nhân rộng ra địa bàn 16 xã, thị trấn của huyện… Các địa phương tiếp tục tham mưu củng cố, kiện toàn 238 tổ hòa giải, tổ an ninh Nhân dân ở 16/16 xã, thị trấn.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.