Đánh thức tiềm năng
Du lịch văn hóa gắn với khai thác các giá trị di sản văn hóa truyền thống đã, đang và sẽ luôn là nhu cầu, xu hướng của các thị trường khách du lịch trong nước lẫn quốc tế.
Với kho báu văn hóa truyền thống đặc sắc, quý giá của 54 dân tộc anh em, như: Lễ hội, công trình kiến trúc - nghệ thuật, các tập quán, lễ hội, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của mỗi vùng miền... đã trở thành nguồn lực rất quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp không khói, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển KT-XH.
Một điều đặc biệt đáng mừng, là đồng bào DTTS đã có ý thức về những giá trị văn hóa vốn có của mình và đang từng bước đánh thức nó, bắt nó phục vụ lại cho cuộc sống của mình.
Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) là một điểm sáng như vậy. Từ một bản nghèo, điểm nóng về tệ nạn xã hội, ma túy, sau 16 năm nỗ lực của cả chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân trong việc bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay. Hiện nay, nguồn thu nhập của các hộ gia đình tại đây đều tăng từ việc làm du lịch và bán các sản vật của địa phương.
Nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư, hoặc nâng cấp nhà nghỉ (Homestay) để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch. So với các khu du lịch khác, mô hình du lịch ở Sin Suối Hồ có nhiều điểm mới: Xu hướng dân làm - dân hưởng đem lại động lực phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương. Đây là mô hình du lịch đậm chất văn hóa và thấm đượm bản sắc dân tộc; du lịch gắn liền với tạo sinh kế nông nghiệp cho người dân. Bản Sin Suối Hồ cũng để lại ấn tượng trong lòng du khách nhờ cộng đồng người dân đoàn kết, thân thiện, hiếu khách, sống văn minh.
Không chỉ Sin Suối Hồ, trên bản đồ du lịch Việt, nhiều điểm sáng từ việc cộng đồng tự thân bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Có thể kể đến như bản Sì Thâu Chải (Lai Châu), Lô Lô Chải (Hà Giang), làng Anôr (Thừa Thiên Huế), làng Ta Lang (Quảng Nam)…
Bảo tồn văn hóa các DTTS là nội dung được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát những năm qua. Có thể kể đến như: Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”, Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, cho đến Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Đến nay, trên cả nước có hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, gắn phát triển du lịch với khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Điều này chứng tỏ rằng, các cộng đồng dân tộc ngày càng thể hiện vai trò chủ động, khẳng định vai trò tự thân trong công tác bảo vệ, phát triển kho tàng văn hóa của mình.
Vai trò chủ thể từng bước được khẳng định
Hiện nay, khi có nhu cầu du lịch bất cứ địa điểm nào, du khách có thể dễ dàng tìm thấy hàng triệu kết quả trên các mạng xã hội: Google, Facebook, Youtube… Điều này chứng tỏ rằng, trong thế giới phẳng, những sản phẩm du lịch đặc biệt đang ngày càng được chú ý, quan tâm và dần trở thành xu hướng.
Đặc biệt, hoạt động du lịch văn hóa ở các địa phương vùng DTTS, miền núi gia tăng, du lịch được thúc đẩy phát triển, thậm chí trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương. Phát triển du lịch bền vững dựa trên yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc sẽ giúp tăng cường khai thác nguồn tài nguyên văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, nếu nói văn hóa là “quyền lực mềm” của một quốc gia, thì du lịch đóng vai trò quan trọng để đẩy mạnh và phát huy quyền lực ấy một cách hữu hiệu. Văn hóa là nét đặc trưng, tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, mỗi điểm đến và chính là điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch".
Những điểm đến du lịch khai thác, phát huy được giá trị của di sản văn hóa truyền thống trong sự vận động không ngừng của xã hội hiện đại không chỉ thành công trong việc thu hút du khách đến với mình, mà còn tạo được sự ảnh hưởng và sự lan tỏa văn hóa ra ngoài phạm vi lãnh thổ của mình, tạo động lực cho du khách mong muốn trải nghiệm những giá trị đích thực, nguyên bản tại chính nơi “sản sinh” ra chúng.
Nếu trước đây, câu chuyện bảo tồn văn hóa cứ luẩn quẩn trong việc cơm áo gạo tiền, nghĩa là đồng bào còn nghèo, thì sao nghĩ đến chuyện bảo tồn văn hóa, thì tới nay, văn hóa, di sản đã trở thành tài sản của họ. Văn hóa và du lịch như hai mặt của tờ giấy, quan hệ mật thiết với nhau. Khi văn hóa “đẻ ra tiền” bởi được gắn liền với du lịch, cũng đồng nghĩa với việc người dân ngày càng có động lực gìn giữ, phát huy những bản sắc của chính mình. Khi ý thức tự thân hình thành sức mạnh nội sinh, chúng ta không còn nỗi lo mai một những nét đẹp truyền thống nữa. Bởi chẳng có gì bền vững hơn, khi cho văn hóa các DTTS có không gian sống, lưu truyền như khi gắn nó với ngành công nghiệp không khói.
Từ những điểm sáng về các cộng đồng đang nỗ lực tự thân vươn lên, chúng ta có thể nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, làm du lịch dựa vào văn hóa vẫn phải tính toán sao cho duy trì tính nguyên bản, trọn vẹn như nó vốn có. Không được làm biến dạng bản sắc văn hóa, môi trường./.