Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những diện tích vườn, đồi núi trồng cây lấy gỗ không hiệu quả, đồi núi trọc chuyển sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 35% (năm 2015) xuống còn 25% (cuối năm 2017).
Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Võ Nhai có hơn 1.000ha; trong đó, diện tích cho sản phẩm trên 600ha. Một số địa bàn đã hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như na ở La Hiên; ổi, quýt ở Phú Thượng; bưởi Diễn, thanh long ở Tràng Xá; cam Vinh, nhãn ở Lâu Thượng... Vùng trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở Phú Thượng, La Hiên; cây ba kích ở Nghinh Tường,...
Ông Hoàng Văn Ninh, xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá là một trong những hộ gia đình điển hình về phát triển kinh tế vườn rừng. Với 18ha đất; trong đó 13ha đất rừng trồng keo, năm vừa qua gia đình ông khai thác 3ha rừng keo 7 năm tuổi thu được hơn 500 triệu đồng. Cùng đó, gia đình có 5ha đất vườn, ông cải tạo, đào 3 ao thả cá, nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả như bưởi, cam, chè… Tương tự, hộ ông Hoàng Văn Hãn, xóm Là Liu, xã Tràng Xá cũng đã thành công từ mô hình kinh tế vườn rừng. Ông Hãn cho biết: năm 2011, gia đình ông được hỗ trợ 300 gốc bưởi Diễn từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, vườn bưởi đã cho thu hoạch vụ thứ tư, trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Theo ông Hãn, huyện Võ Nhai đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả và hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho người dân nên năng suất đạt cao… Năm nay bưởi được mùa, được giá nên gia đình nào cũng phấn khởi…
Được biết, thời gian qua, huyện Võ Nhai đã xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp với tổng nguồn vốn thực hiện trên 8,6 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách trên 5,3 tỷ để hỗ trợ 60% giá giống cây ăn quả, 40% giá phân bón năm thứ nhất, cải tạo vườn cây ăn quả, tập huấn và xây dựng mô hình VietGap... Đặc biệt, những chính sách ưu đãi, cho dân vay vốn, trợ giá, trợ cước các loại giống cây trồng, vật nuôi… đã giúp bà con phát triển kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Từ đó, góp phần đưa Võ Nhai về trước kế hoạch 1 năm trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện với tổng giá trị ngành Nông nghiệp là gần 128 tỷ, chiếm trên 36% cơ cấu kinh tế.
Cùng với việc phát triển kinh tế đồi rừng, công tác bảo vệ rừng cũng được chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng. Hằng năm, huyện chỉ đạo các xã kiện toàn Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chủ động xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng và triển khai xuống các thôn, bản...
QUÂN TRANG - MINH THU