Mới đây, tại phiên thảo luận về một số nội dung liên quan tới ngân sách và đầu tư công tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Vũ Thị Như Mai-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội cho biết, hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết về đầu tư công trung hạn, tổng mức đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án.
Một trong những căn bệnh trầm kha nhất trong lĩnh vực đầu tư công thường xảy ra đó là tình trạng chậm tiến độ và đội vốn. Theo đó, bài toán quen thuộc của các chủ đầu tư và nhà thầu là bỏ thầu thấp sau đó làm ì ạch rồi xin nâng thêm vốn từ ngân sách nhà nước.
Bởi vậy mới có chuyện dự án phê duyệt 1 đồng nhưng sau một thời gian thi công đến lúc hoàn thành thì tổng kinh phí đã tăng theo cấp số nhân. Điển hình như dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng. Hay dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) ban đầu chỉ có mức đầu tư 1.850 tỷ đồng nhưng sau một thời gian thì đội vốn lên 4.400 tỷ đồng…
Bên cạnh đó là sự dàn trải và cơ chế xin-cho. Bằng chứng là thi thoảng lại thấy có tỉnh đề xuất xin ngân sách Trung ương ít thì vài trăm, nhiều thì cả nghìn tỷ để nay xây tượng đài, mai xây quảng trường… cho “tương xứng” với tầm vóc của địa phương. Chẳng trách, tình trạng nợ công rất khó thuyên giảm.
Trước đó, đầu năm 2011, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, trong đó yêu cầu thắt chặt chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Sau khi Nghị quyết triển khai, việc chi tiêu công đã phần nào được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, bẵng đi vài năm, khi kinh tế đất nước khởi sắc hơn việc thắt chặt chi tiêu công dường như cũng đang dần nới lỏng hơn trước cũng là một nguyên nhân khiến nợ công gia tăng…
Vậy nên, đến hẹn lại lên, tại mỗi kỳ Quốc hội, bài toán nợ công lại được nhắc lại như một điệp khúc “biết rồi khổ lắm nói mãi”!
MẠNH HÀ