Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hội quán Nhị Phủ (Miếu Nhị Phủ) hay còn lại là chùa Ông Bổn là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của cộng đồng người Hoa (nhóm ngôn ngữ Phước Kiến) có quá trình hình thành và phát triển gần 300 năm.
Nơi đây đã từng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của đông đảo người Hoa, hiện là công trình, địa điểm tham quan được nhiều du khách yêu thích và là một Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận ngày 31/8/1998.
Công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn nhỏ khác nhau, lần trùng tu gần đây nhất hoàn thành vào năm 2012 với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Lần trùng tu này được khởi công vào năm 2019 với các hạng mục trùng tu lớn như: Hậu điện, đông xương, tây xương, sân hội quán… với kinh phí gần 16 tỷ đồng do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hội quán Nhị Phủ tọa lạc trên một diện tích rộng khoảng 2.500m2. Phần sân chiếm gần phân nửa diện tích, phần còn lại dùng để xây dựng bao gồm các điện thờ và trụ sở hội quán. Di tích có kiến trúc tổng thể theo hình chữ "khẩu" (chữ Hán), gồm 4 dãy nhà dài vuông góc nhau, khoảng trống ở giữa tạo nên sân thiên tỉnh.
Mỗi dãy nhà đều có một lớp mái, riêng tiền điện có hai tầng mái. Tất cả mái đều lợp ngói ống, diềm mái là hàng ngói men xanh. Mái có hình thuyền, trên các đầu đao có gắn tượng cá hóa rồng, còn ở các đầu kìm là những tượng rồng, thân dựng thẳng, đuôi xòe lên cao, chầu hai bên mặt trời. Dọc theo đường bờ nóc và tàu đao là phù điêu rồng, phượng, mai, lan, cúc, trúc... được ghép bằng mảnh gốm nhiều màu sắc.
Di tích hiện còn lưu giữ một số hiện vật quý như chuông cổ được đúc vào năm 1825, chuông bằng gang làm năm 1875, tượng kỳ lân bằng đá, các bao lam, bình phong... có niên đại từ giữa đến cuối thế kỷ 19.
Di tích có tất cả 14 câu đối và 30 hoành phi, phần lớn được hình thành từ năm 1864 đến năm 1901. Các hoành phi, câu đối được chạm viền chung quanh, bên trong chạm nổi các chữ Hán trên nền hoa văn rồng, mây, sóng nước..., ngoài ý nghĩa ca ngợi thần thánh còn có giá trị nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật chạm gỗ.
Các vị thánh, thần được tạo tác tinh tế bằng gỗ hoặc thạch cao, tất cả đều được đặt trong những khám thờ, được trang trí bằng nhiều họa tiết sinh động. Nổi bật và giá trị hơn cả là khám thờ ông Bổn, có niên đại 1894, được làm bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, chạm trổ đề tài lưỡng long tranh châu, ngô đồng, phượng, lân... xen kẽ hoa văn đồng tiền, chữ thọ, tôm, cua, cá…