Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Dấu ấn 135 trên những miền quê mới

PV - 09:15, 05/02/2018

Xuân này, về những vùng xa xôi, nghèo khó nhất của đất nước, không thể không vui mừng trước bức tranh nông thôn miền núi đã có những thay đổi rõ nét. Từ những thôn bản ở vùng sâu, xa nhất đến các xã và cụm xã ĐBKK, ở đâu cũng bắt gặp những công trình ghi dấu ấn “135”.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên (Lai Châu) hướng dẫn nhân dân bản Huổi Hằm trồng chè. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên (Lai Châu) hướng dẫn nhân dân bản Huổi Hằm trồng chè.

 

Kon Pne từng được biết đến là xã khó khăn bậc nhất của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Trong muôn vàn thiếu thốn bủa vây Kon Pne, có lẽ khó khăn nhất là đường giao thông. Lâu nay, Kon Pne được ví như là “ốc đảo” giữa rừng Trường Sơn.

Cũng vì giao thông cách trở nên nông sản làm ra thường bị chi phí vận chuyển “ăn” một nửa; nếu để lại thì cũng chẳng biết bán cho ai. Đời sống của 369 hộ/1.200 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na) ở Kon Pne vốn đã khó càng thêm phần bí bách.

Những tưởng Kon Pne chẳng bao giờ có thể thoát khỏi thế “ốc đảo”. Bởi để làm đường, dẫu chỉ là bằng bê tông, cũng cần một nguồn lực lớn mà ngân sách của xã, của huyện, ngay của tỉnh cũng không kham được.

Theo ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne, mọi chuyện dễ dàng hơn khi bắt đầu từ năm 2004 Kon Pne được thụ hưởng Chương trình 135. Từ nguồn lực của Chương trình, các tuyến đường chính trong xã được đầu tư, điện lưới cũng được kéo về, trường trạm được đầu tư xây dựng,...

Theo đó, hệ thống giao thông trong xã đã cơ bản hoàn thiện; nhưng từ trung tâm xã ngược ra chân đèo, rồi 20km đường đèo quanh co hiểm trở và 12km nối với đường liên xã tiếp giáp địa phận xã Đak Rong vẫn lổn nhổn đất đá.

Để “nối” Kon Pne, năm 2017, huyện Kbang đã ưu tiên bố trí hơn 4 tỷ đồng để làm 2,3km đường từ trung tâm xã tới chân đèo. Trước đó, tuyến đường đèo vào Kon Pne cũng đã được ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng cuối năm 2016.

Đường giao thông được liên thông đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân Kon Pne. Như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne Lê Văn Quang, đường sá thuận lợi, giá nông sản theo đó tăng lên. Ngày trước, bắp (ngô) chỉ bán được 1.000 đồng/kg, nay bán với giá 1.500 đồng/kg là ví dụ đơn giản, dễ nhận thấy nhất.

“Đón Tết Mậu Tuất năm nay, việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn. Vậy là xã chỉ còn 4km đường đất nữa, sẽ cố gắng hoàn thiện, góp phần đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2019”, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne Lê Văn Quang phấn khởi nói.

Cũng như xã Kon Pne của huyện Kbang, hàng nghìn xã ĐBKK khác trên cả nước đã, đang đổi thay từng ngày nhờ “điểm tựa” Chương trình 135. Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình đã xây nền tảng để đồng bào các dân tộc ở vùng khó vận dụng hiệu quả hợp phần hỗ trợ sản xuất để phát triển kinh tế, thoát nghèo và từng bước vươn lên khá giả.

Rõ nhất phải nhắc đến sự đổi thay ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), một huyện được xem là nghèo nhất nước với 14/14 xã, thị trấn của huyện đều thuộc diện ĐBKK. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở đây trên 60% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Nhưng ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm bảo, như thế cũng là đỡ hơn nhiều so với trước đây. Dẫu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao nhưng vài năm gần đây, các xã, thôn bản ĐBKK của huyện Bảo Lâm đã có cơ hội giảm nghèo nhanh, bền vững nhờ Chương trình 135. Riêng năm 2017, toàn huyện được phân bổ hơn 27 tỷ đồng; từ nguồn lực này, huyện đã “mở đường” thoát nghèo cho các xã xa xôi, hẻo lánh nhất.

Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Quang dẫn chứng, xã Yên Thổ và xã Đức Hạnh-hai xã khó khăn nhất của huyện; người dân địa phương hay nói “xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh”. Trước đây, muốn vào Yên Thổ hay Đức Hạnh chỉ có đi bộ, hàng hóa thì dùng ngựa thồ. Các thôn bản người Mông, Lô Lô, Tày, Dao, Sán Chỉ,… ở đây chưa nhìn thấy ô tô, xe máy, kể cả cái bóng điện cũng không. Đời sống của người dân vì thế không sáng hơn ánh đèn dầu leo lét.

Nhưng nay, ở Đức Hạnh hay Yên Thổ, đường ô tô đã mở vào tận trụ sở xã, đường cũng đã nối từ trung tâm xã lên các bản gần, bản xa; hệ thống điện lưới cũng đã kéo đến 1/3 thôn bản. Chất lượng cuộc sống của người dân đã được nâng lên một bước với việc hơn 80% hộ được dùng nước sạch; mạng lưới y tế xã được đầu tư, hệ thống thông tin liên lạc được kết nối…

Đón Xuân Mậu Tuất 2018, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn nhưng 14 xã, thị trấn của huyện Bảo Lâm cũng như xã Kon Pne và hàng nghìn địa bàn ĐBKK khác trên cả nước vững tin để phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Bởi, cùng với các nguồn lực khác thì Chương trình 135 vẫn luôn là điểm tựa. Điều này thì không phải nói gì thêm, vì thực tế gần 20 năm qua, Chương trình 135 luôn là động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng khó trong những năm qua, cho hiện nay và cho những chặng đường tiếp theo.

SỸ HÀO