Báo cáo đánh giá giữa kỳ Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Dân tộc cho thấy: Trong ba năm 2016-2018, Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng 9.106 công trình, hoàn thành 7.247 công trình và đang thực hiện 1.859 công trình. Thực hiện duy tu bảo dưỡng 3.295 công trình do các xã làm chủ đầu tư và tổ, nhóm cộng đồng thôn bản thực hiện. Hỗ trợ trực tiếp giống cây, giống con, phân bón, vật tư sản xuất, chế biến nông sản… cho hơn 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo và hộ tham gia nhóm hộ thực hiện Chương trình; tập huấn trên 8.100 lượt người dân và hơn 700 mô hình phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn một số tồn tại, hạn chế, như: Một số bộ, ngành ban hành văn bản quản lý, hướng dẫn chậm đã gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện. Nhiều địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện chương trình. Việc lập kế hoạch đầu tư ở một số nơi chưa sát với thực tế, phê duyệt dự án ở một số huyện còn chậm. Năng lực chủ đầu tư của xã, đơn vị tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, tư vấn giám sát, giám sát cộng đồng ở một số công trình, dự án còn hạn chế. Nguồn duy tu bảo dưỡng tại một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện. Việc lồng ghép Chương trình 135 với các chương trình, dự án khác trên địa bàn còn hạn chế..
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất đánh giá Chương trình 135 đã tác động toàn diện đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đặc biệt khó khăn. Các đại biểu cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những mô hình, cách làm hay tại địa phương. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai chính sách tại cơ sở, như: phân cấp và trao quyền; khảo sát, đánh giá; cơ chế quản lý, lồng ghép nguồn lực…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá kết quả giữa kỳ thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là chỉ ra những khó khăn, hạn chế, tồn tại để có giải pháp thực hiện tốt Chương trình trong thời gian tới. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm khẳng định: thời gian qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn còn rất khó khăn. Thời gian tới, cần tăng cường các giải pháp để công tác dân tộc phát huy tốt hiệu quả.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị, Văn phòng Điều phối Chương trình 135 (Ủy ban Dân tộc) tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo để hoàn thiện báo cáo một cách đầy đủ, súc tích. Đặc biệt, cần phân tích, nêu bật được những kiến nghị để thực hiện tốt chính sách trong thời gian tới. Cần có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình. Đối với các địa phương cần đề xuất cụ thể những vướng mắc trong từng khâu của quá trình thực hiện Chương trình để các bộ, ngành, chính quyền các cấp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, các địa phương đề xuất cơ chế đặc thù đối với những xã đã ra khỏi đối tượng thụ hưởng Chương trình để duy trì kết quả đã đạt được một cách bền vững.
THANH HUYỀN