Cánh đồng Mường Thanh những ngày này lúa đang dần ngả sang màu vàng, báo hiệu thời kỳ thu hoạch sắp bắt đầu. Vụ hè thu năm nay, bà con cho biết tình hình sâu bệnh trên lúa ít phổ biến hơn nhưng sự xuất hiện của những cây lúa lẫn (lúa mọc dại) với mật độ dày, diện tích rộng làm bà con rất lo lắng, đau đầu tìm cách diệt trừ.
Giữa cái nắng chói chang, 4 người trong gia đình chị Nguyễn Thị Quyết, đội 10A, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên vẫn thoăn thoắt tay liềm, “đỏ mắt” soi tìm từng cây lúa để cắt bỏ. Chị Quyết buồn rầu, cho biết: “Năm nào loại lúa lẫn này cũng xuất hiện trong ruộng, không biết chúng từ đâu ra mà sinh sôi nhiều đến vậy, cắt bỏ không xuể. Vụ hè thu này tôi gieo cấy 3 thửa giống đặc sản Séng Cù, diện tích hơn 3.000m2 nhưng cả 3 ruộng đều dính rất nhiều cây lúa dại, chiếm đến gần 20% diện tích.
Cũng cùng nỗi trăn trở, chị Quàng Thị Điên, đội 11 cho hay: Trước khi bắt tay vào gieo cấy chị làm ruộng rất cẩn thận, chọn mua giống ở cửa hàng uy tín, nhưng khi lúa bước sang giai đoạn làm đòng, xuất hiện rất nhiều cây lúa lẫn. Tuy mọc sau, nhưng lúa lẫn sinh trưởng rất nhanh nếu không nhổ bỏ kịp thời, khi thu hoạch, bán sản phẩm gạo người dân chúng tôi luôn phải chịu tiếng oan là pha trộn gạo kém chất lượng vào gạo đặc sản”.
Trao đổi với Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, bà Triệu Thị Lê thừa nhận, tình trạng lúa dại xuất hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, loại lúa này xuất hiện nhiều trên diện tích khoảng 4.300ha thuộc cánh đồng Mường Thanh với mật độ tùy thuộc vào từng thửa.
“Đi kiểm tra thực tế, bà con phản ánh nhiều chúng tôi cũng rất đau đầu để tìm giải pháp diệt trừ. Trước mắt vẫn khuyến cáo bà con thường xuyên theo dõi đồng ruộng nếu phát hiện lúa dại thì dùng liềm cắt tỉa ngay”, bà Lê cho biết.
Được biết, hiện nay Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên đã tiến hành nghiên cứu 2 giải pháp cơ bản khuyến cáo người dân phòng trừ lúa dại. Một là áp dụng phương pháp gieo mạ nền cứng và cấy bằng. Khi lúa lẫn nảy mầm, phát triển ngoài nhánh cấy, bà con sử dụng dụng cụ làm cỏ diệt trừ ngay sẽ giảm bớt đáng kể. Tuy nhiên, theo cách này, bà con cho rằng, khó thực hiện vì diện tích canh tác mỗi vụ của các hộ trung bình từ 2.000m2 trở lên, nếu cấy tay sẽ rất lâu, không đảm bảo nhân công và khung thời vụ.
Giải pháp khác, Chi cục đang áp dụng phương pháp sử dụng máy cấy mạ non không động cơ, công suất 10 sào/ngày, khảo nghiệm trên một số thửa ruộng tại đội C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên để khắc phục hiện tượng lúa lẫn.
Theo cách này, trước khi cấy, đồng ruộng sẽ được làm nhuyễn, ngâm nước ít nhất 10 ngày, khoảng thời gian đó, nước vào sẽ làm thối và giảm khả năng sinh trưởng, nảy mầm của những hạt thóc lẫn trong đất.
“Qua khảo nghiệm, nếu áp dụng cách này trong nhiều vụ liên tục, thì tỷ lệ lúa lẫn có thể loại trừ được trên 95%. Hiện nay, chúng tôi đang chờ thời gian kết thúc khảo nghiệm mô hình, đánh giá hiệu quả và khuyến cáo rộng rãi để người dân áp dụng”, bà Lê cho biết.
NAM HƯƠNG