Nhà nhà làm cối
Dưới bóng cây hoa sữa nơi đầu ngõ, 2 anh em Hler đang tỉ mẩn hoàn thành công đoạn cuối của những chiếc cối gỗ. Người em dùng 1 chiếc máy bào nhẵn bề mặt ngoài của cối, còn Hler thì dùng chiếc dao mài có đầu cong tỉ mỉ làm nhẵn lòng cối sâu. Giữa cái nắng đầu mùa, mồ hôi nhỏ giọt trên gương mặt rám nắng của 2 chàng trai Jrai. Hler cười hiền khô, tỏ ý không muốn nghỉ tay khi chúng tôi mời anh uống nước. Anh nói cần làm xong 7 chiếc cối gỗ trong ngày để giao cho khách. “Những chiếc cối này làm từ gỗ along răng mình chặt trên rẫy. Loại gỗ này không phổ biến lắm nhưng mình nuôi cây từ nhỏ nên chặt về làm luôn. Cây xẻ ra được 7 khúc gỗ dài 40 cm, gọt vỏ, bào nhẵn bên ngoài, sau đó dùng máy đục phần lòng cối, tạo độ sâu chừng 1 gang tay. Phần còn lại phải làm thủ công sao cho chiếc cối thật nhẵn cả bên trong lẫn bên ngoài”-Hler giới thiệu về các công đoạn để làm ra chiếc cối gỗ. Anh nói, trước đây ông bà làm thủ công hoàn toàn nên mỗi ngày chỉ làm xong được 1 chiếc, nhưng nay có máy móc hỗ trợ nên có thể hoàn thành 4-5 chiếc cối/ngày.
Cũng vừa hoàn thành xong 8 chiếc cối gỗ có kích thước lớn, nhỏ khác nhau, anh A Rơnh nằm nghỉ trên chiếc võng đặt ngay cạnh “xưởng” làm cối, bên cạnh những dụng cụ đẽo, gọt tạo tác thô sơ. Khác với Hler thường “bỏ sỉ” sản phẩm làm ra cho một người trong làng, A Rơnh mang thành phẩm đi bán dạo khắp các làng. A Rơnh nói, anh có 11 năm làm công nhân cao su nhưng mấy năm nay nghỉ hẳn ở nhà làm chày cối vì nghề truyền thống này cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. “Nếu có sẵn gỗ, mỗi ngày mình làm được từ 3 đến 5 chiếc cối, giá mỗi chiếc loại nhỏ dao động từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng, loại lớn 400-500 ngàn đồng (riêng chày thường được “khuyến mãi” theo cối). Mỗi tháng mình làm và bán 3-4 đợt như vậy là đủ tiền nuôi 3 đứa nhỏ ăn học”-anh A Rơnh cho biết.
Bức tranh lao động ở Breng nay đã có một gam màu khác. Trước đây, nhà nhà, người người làm cao su, còn bây giờ nhiều người quay trở về với nghề truyền thống. Người già thì đan lát, làm gùi, người trẻ thì ham mê làm cối gỗ, công việc cần nhiều sức lực hơn là sự khéo léo. “Kỹ thuật làm cối không khó, quan trọng là phải kiên trì để làm cho chiếc cối thật cân đối, nhẵn láng mới đẹp. Cái khó nhất bây giờ là tìm gỗ nguyên liệu thôi”-Hler nói.
Hồi sinh nghề truyền thống
Chiếc cối gỗ là hình ảnh thân thuộc của người bản địa Tây Nguyên. Không có thứ gì không đi qua miệng cối trước khi đến với bữa ăn gia đình, từ gạo, bắp, lá mì, lá đu đủ đến những trái ớt, hạt tiêu rừng. Vì thế mà tiếng chày đã trở thành âm thanh của ký ức, của niềm thương nhớ mỗi đứa con khi xa làng. Rồi máy xay, máy xát về tới tận làng đã làm giảm hẳn “phận sự” của những chiếc cối giã. Vậy mà ở làng Breng, người người quay về với nghề làm cối gỗ truyền thống khiến cho hình ảnh chiếc cối giã không còn xuất hiện lặng lẽ mà trở thành mặt hàng sinh động, có ở khắp mọi nơi, từ bức tranh lao động chung của làng đến những câu chuyện mưu sinh của nhiều gia đình.
“Hồi trước, hầu hết người dân trong làng đều đi làm công nhân cao su. Nhưng từ năm 2014 trở lại đây, giá mủ cao su xuống thấp, đời sống bấp bênh lắm, nhiều người không đủ nuôi con nên nghỉ việc về làng tìm kế khác mưu sinh. Ngoài ruộng rẫy, họ tìm về nghề truyền thống như đan lát, làm cối”-anh Thin-Trưởng thôn, cho biết. Tuy vậy, nghề truyền thống sẽ không được hồi sinh mạnh mẽ nếu không có thị trường cho sản phẩm. Những chiếc cối gỗ khởi đi từ làng Breng đến khắp các ngôi làng trong tỉnh, thậm chí được đưa lên cả tỉnh Kon Tum và luôn được đón nhận, thậm chí không có hàng để bán.
Bản thân Trưởng thôn Thin cũng từng là công nhân cao su 12 năm, nhưng sau đó về làng gắn bó với nghề truyền thống này. Anh Thin kể, năm 2010 anh vừa làm công nhân, vừa làm thêm nghề phụ là thu gom những chiếc gùi, chiếc cối người dân làm ra lúc nông nhàn để mang đi bán ở khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Mỗi chuyến đi từ 2 đến 3 ngày, anh thu lãi mấy triệu đồng. Năm 2014, anh Thin nghỉ làm công nhân, chỉ chuyên đi thu gom gùi, cối của người trong làng mang đi bán ở khắp nơi như Đức Cơ, Ia Grai, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa... “Mỗi chuyến mình chỉ chở tối đa 6 chiếc cối thôi, vì nó tương đối nặng. Nhưng đi chuyến nào hết chuyến đó, trong làng ai làm ra bao nhiêu mình thu mua hết bấy nhiêu”-anh Thin cho biết.
Theo anh Thin, gỗ làm cối không nhất thiết phải là gỗ quý. Gỗ mít và gỗ cây tơ nang là 2 loại chủ yếu để làm cối ở làng Breng. Gỗ mít có thể mua trong làng, nhưng gỗ tơ nang thì phải xuống Mang Yang hay xa hơn nữa là Đak Pơ hay Kông Chro. “Gỗ tơ nang là loại rất chắc, rất khó cắt và quá trình đẽo, đục, gọt làm ra chiếc cối cũng mất nhiều công sức hơn. Loại cối này cũng có độ bền cao, có khi cả đời người không hư. Còn gỗ mít thì mềm hơn, làm cối dễ hơn nhưng độ bền chắc thì không bằng tơ nang, vì thế mà cối bằng gỗ mít cũng rẻ hơn. Vừa rồi, em trai mình mua được một cây mít giá 300 ngàn đồng, về cắt ra làm được 20 chiếc cối, bán được hơn 6 triệu đồng. Nếu là cây tơ nang thì phải được gần chục triệu đồng”-anh Thin kể.
Khi không còn được tùy tiện lấy gỗ từ rừng, việc tìm một cây gỗ để làm cối giã-một vật dụng thân thuộc cũng trở nên khó khăn với nhiều người bản địa. Việc chọn mua một chiếc cối làm sẵn là giải pháp nhanh gọn, và đây cũng là lý do để hồi sinh nghề truyền thống này ở Breng.
THEO BÁO ĐIỆN TỬ GIA LAI