“Lọt lưới” an sinh xã hộiTrước khi được nhận làm nhân viên cho một thẩm mỹ viện tại huyện Đông Anh, Hà Nội, chị Ngô Thị Hằng (31 tuổi) đã có một thời gian dài bấp bênh tìm việc. Không tìm được việc ở quê, chị đã ra Hà Nội làm việc. Vì môi trường làm việc không ổn định, có thời điểm chị nhận mức lương là 500 ngàn đồng/tháng, không trả đủ tiền thuê nhà và sinh hoạt nên chị lại làm ruộng. Vòng luẩn quẩn đó kéo dài tới khi chị được tiếp cận với dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” do tổ chức Plan thực hiện, để chị được học nghề tại trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Thăng Long và được giới thiệu việc làm ổn định.
Tham gia nhóm nghiên cứu Khảo sát về thị trường lao động cho phụ nữ nhập cư tại Hà Nội, TS Nguyễn Quang Việt (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, 256 nữ lao động nhập cư trên địa bàn Hà Nội được hỏi cho biết, họ có rất ít cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng nghề do việc làm bấp bênh, thu nhập thấp và thời gian làm việc kéo dài. Họ ít nhận được hỗ trợ từ người sử dụng lao động và khoảng 70% không được ký hợp đồng lao động nên cũng không được nhận các đãi ngộ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, nghỉ ốm hay nghỉ phép hằng năm.
Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez cho rằng, nếu các nỗ lực nhằm hạn chế khoảng cách về giới và tăng cơ hội việc làm bền vững cho phụ nữ không được đẩy mạnh, những thay đổi có tính xu thế hiện nay như biến đổi khí hậu, nhân khẩu học, di cư và cách mạng kỹ thuật-sẽ tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em gái. Để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam đòi hỏi phải có cam kết mang tính hệ thống nhằm đảm bảo “không ai bị bỏ lại sau”, đặc biệt, cần xây dựng các tiêu chí việc làm bền vững và tiếp cận an sinh xã hội, tôn trọng quyền của nữ lao động nhập cư ở Hà Nội.
Tạo cơ hội việc làm bền vữngChọn Hà Nội, một trong những thành phố tập trung nhiều nữ lao động nhập cư, trong những năm qua, tổ chức Plan International đã triển khai Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” (tên viết tắt tiếng Anh là dự án SAFE). Dự án hỗ trợ đào tạo kỹ năng, kiến thức qua các khóa sơ cấp nghề cũng như nâng cao kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc. Chương trình có sự tham gia đào tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó kết nối việc làm ổn định cho chị em sau khi tốt nghiệp.
Hiện nay, nữ thanh niên nhập cư từ 18 đến 30 tuổi, đến từ các địa phương Hà Nội tìm kiếm cơ hội việc làm, cơ hội học nghề có thể tham gia Dự án để được hỗ trợ 80%-100% học phí các khóa học sơ cấp với các nghề phun thêu thẩm mỹ, tạo mẫu tóc, nấu ăn, nghiệp vụ bán hàng, may công nghiệp và thời trang. Dự án đã xây dựng được 12 điểm cung cấp thông tin vệ tinh của Dự án tại các xã Kim Chung, Hải Bối và Kim Nỗ của huyện Đông Anh (Hà Nội) và thiết lập đường dây nóng 0868.181038 để được tư vấn qua điện thoại.
Tính đến tháng 12/2017, đã có hơn 1000 nữ thanh niên nhập cư được cung cấp thông tin, tư vấn về nhà trọ an toàn, cơ hội đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Đã có 200 học viên tốt nghiệp và chuyển đổi sang nghề nghiệp được đào tạo sau tốt nghiệp.
Bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam cho biết, các tổ chức quốc tế cũng nỗ lực không ngừng để thúc đẩy tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó có Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế về bình đẳng giới. Tổ chức Plan International cũng đang thực hiện các chương trình phù hợp với các Công ước này nhằm không ngừng thúc đẩy khả năng của phụ nữ có được việc làm bền vững đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội.
THẢO HƯƠNG