Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đắk Lắk: Xuất hiện tình trạng kích điện để bắt giun đất

Lê Hường - 20:46, 19/09/2023

Chiều 19/9, ông Trương Công Thiện - Chủ tịch UBND xã Ea Kpam xác nhận, trên địa bàn xã vừa xuất hiện một số đối tượng ở địa phương khác đến sử dụng kích điện để bắt giun đất.

Tang vật lực lượng chức năng thu giữ được tại hiện trường
Tang vật lực lượng chức năng thu giữ được tại hiện trường

Theo đó, người dân xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk phát hiện có 3 đối tượng lạ mặt ở nơi khác đến địa bàn, dùng kích điện bắt giun đất trong vườn cao su trên địa bàn thôn 6. Thấy vậy, người dân nhanh chóng báo cáo với chính quyền địa phương. Lãnh đạo UBND xã Ea Kpam đã chỉ đạo lực lượng Công an xã đến hiện trường làm việc với 3 đối tượng, thu giữ 5 kg giun tươi, 1 bộ kích điện, 6 cuộn dây điện mỗi cuộn dài 20m.

Làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng khai nhận đều trú tại xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar, đi bắt giun về để nuôi gà. Sau đó, Công an xã Ea Kpam đã lập biên bản, tạm giữ các tang vật có liên quan và chuyển cho Công an huyện Cư M’gar tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Các đối tượng dùng kích điện để bắt giun đất tại xã Ea Kpam
Các đối tượng dùng kích điện để bắt giun đất tại xã Ea Kpam

Giun đất có vai trò quan trọng giúp cân bằng hệ sinh thái đất, giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng. Hoạt động săn bắt giun bằng phương pháp kích điện là nỗi lo lắng của người dân nhiều địa phương, nhất là những vùng trồng cây nông nghiệp, cây ăn trái. 

Bởi vậy, bắt giun sẽ khiến đất không còn tơi xốp, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Thêm vào đó, việc bắt giun bằng kích điện sẽ làm hủy diệt các vi sinh vật có lợi trong đất, phá vỡ sự cân bằng sinh học làm giảm chất lượng đất canh tác, giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, tác động xấu đến môi trường và vật nuôi.

Công an xã Ea Kpam khuyến cáo, người dân không nên bắt giun để bán kiếm thu nhập. Việc làm này sẽ làm đất nông nghiệp trở nên nghèo nàn chất dinh dưỡng, không thể canh tác cây trồng, gây thiệt hại nặng cho người nông dân.

Hoạt động săn bắt giun bằng phương pháp kích điện sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện nay, việc bắt giun chưa có chế tài để xử lý. Do đó, chính quyền địa phương chỉ tuyên truyền, vận động người dân không được bắt giun để bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 15/9, UBND huyện Cư M'gar đã có văn bản gửi UBND các xã, thị trấn về việc phòng ngừa hoạt động sử dụng máy kích điện để bắt giun đất.

Lực lượng Công an xã Ea Kpam tại hiện trường
Lực lượng Công an xã Ea Kpam tại hiện trường

Theo nội dung văn bản, thời gian gần đây, tại các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang... nổi lên tình trạng người dân sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất, bán cho các thương lái. Dùng kích điện bắt giun đất làm giảm chất lượng đất canh tác, phá vỡ đa dạng sinh học, giảm độ phì nhiêu của đất, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn (điện giật), đe dọa tính mạng cho người và động vật. Một số địa phương đã xảy ra tình trạng, sau khi người dân kích điện bắt giun đất, cây trồng bị ảnh hưởng bộ rễ, vàng lá và chết, năng suất suy giảm.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng này do chưa có chế tài xử lý...

Trước tình hình trên, UBND Cư M'gar yêu cầu UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tại địa phương tổ chức nắm tình hình người dân dùng kích điện và các biện pháp khác để bắt giun đất và hoạt động mua, bán, chế biến giun đất trên địa bàn. Đồng thời, rà soát, thống kê danh sách các đầu mối thu mua giun đất và các lò sấy giun đất tại địa phương (nếu có) để có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, tham mưu xử lý các lò sấy gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Tổ chức phất động quần chúng nâng cao ý thức cho người dân về sự nguy hại của hành vi sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất, kịp thời báo cáo, tham mưu cho cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặ, xử lý kịp thời, hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.