Ngâm nếp cho mềm đem xay thành bột, để bột cho thật ráo nước rồi đổ bột ra mâm. Bốc bột thành từng nắm cho vào nồi nước đang sôi để luộc chín bột. Luộc bột phải thật khéo, sao cho bột không được chín bấy, cũng không được sống bên trong. Nếu bột chín bấy, thì bánh hồng khuấy lâu tới, dễ bị chảy nước. Còn luộc bột sống, bánh lợn cợn vón cục, không mịn màng mặt bánh.
Bột luộc xong vớt ra cho vào ngay chảo đường đang sôi sùng sục. Bột luộc đang nóng, gặp đường cũng đang nóng, dùng đũa đánh thật nhanh để các cục bột tan ra trộn lẫn vào nước đường. Sau khi bột đã tan đều thì phải hạ lửa riu riu, cứ thế mà đánh không cho bột sít. Khi bột đã tới rồi, dùng tay sờ vào bột sẽ không bị dính tay.
Rải bột nếp khô lên mâm, rồi vớt nguyên dề bột trong chảo ra, dùng tay dạt bánh cho đều ra mâm. Dạt bánh dày hay mỏng tùy ý, nhưng thường là dạt dày khoảng 2 đến 3cm, rồi rưới lên trên mặt bánh một lớp mỏng bột nếp khô, vậy là có bánh hồng. Đôi khi người ta cũng pha màu để bánh có màu xanh, màu vàng, màu hồng trông đẹp mắt hơn.
Khi dùng bánh có thể dùng dao bén xắt bánh hồng ra từng dải, có chiều rộng khoảng chừng 4-5cm, rồi xắt xéo theo hình con thoi, sắp ra đĩa bày cùng với một số bánh khác. Bánh hồng ăn rất thơm lại vừa dẻo, vừa dai, thơm mùi nếp, thấm vị ngọt của đường, ăn ít ngán…
BTK