Trong phong trào trồng cây ăn quả và được thụ hưởng chính sách đối với đồng bào DTTS, có thể kể đến gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, dân tộc Dao, thôn Luồng, xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn. Nhà có 2ha đất canh tác trồng cam, ổi, táo. Trước kia do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên cây còi cọc, hiệu quả kinh tế thấp.
Đầu năm 2016, bà Phượng tham gia lớp tập huấn chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGap do Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tổ chức, được học và thực hành về biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Từ vốn kiến thức tiếp thu, bà Phượng áp dụng chăm sóc vườn cây, vụ vừa qua cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Cùng với bà Phượng, nhiều hộ nghèo ở xã Tân Lập đã thoát nghèo, vươn lên khá giá. Hết năm 2017, toàn xã giảm được 7,7% hộ nghèo so với năm 2016. Tính chung toàn huyện Lục Ngạn, năm 2017 giảm được 5,1% hộ nghèo, vượt mục tiêu đề ra.
Cũng như huyện Lục Ngạn, các địa phương có đồng bào DTTS ở tỉnh Bắc Giang cũng đã có nhiều cách làm hay để hỗ trợ bà con thoát nghèo, vươn lên khá giả. Nhiều huyện có cách làm sáng tạo, huy động và phát huy nội lực từ cộng đồng, đặc biệt là các đoàn thể xã hội. Ví như huyện Sơn Động lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135, 30a… hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế; đồng thời khen thưởng, nêu gương các gia đình tự nguyện phấn đấu, xin thoát nghèo.
Tương tự tại huyện Lục Ngạn, các hội, đoàn thể quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tiết kiệm, tổ vay vốn, cung ứng phân bón trả chậm, vận động nhà hảo tâm, hỗ trợ người nghèo, ưu tiên bà con DTTS tại 13 xã ĐBKK hưởng trước. Đến nay, nhiều xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 50%.
TÙNG NGUYÊN