Là một nước thành viên tham gia đàm phán và ký kết, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt cơ hội, song cũng đối mặt với không ít thách thức từ CPTPP.
Cơ hội phía trướcTrước hết, tham gia CPTPP sẽ giúp tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam cả ở khu vực và quốc tế, bởi đây là minh chứng cụ thể, là bước tiến mới trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng về triển vọng kinh tế, Việt Nam là quốc gia được đánh giá sẽ đạt được lợi ích lớn nhất từ CPTPP so với các thành viên khác. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico..., cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Ước tính, Việt Nam có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD).
Cùng với đó là, cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, bởi nhu cầu đối với các ngành xuất khẩu trọng điểm như, dệt may, da giày, đánh bắt cá gia tăng... sẽ dẫn tới việc mở rộng các ngành sản xuất nội địa, thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia đối với nhiều ngành nghề. Từ đó, cấu trúc kinh tế của Việt Nam cũng phải được điều chỉnh toàn diện.
Xuất khẩu và đầu tư cũng có vai trò quyết định trong tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm được gần 1 triệu người thuộc diện đói nghèo.
Ngoài hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, CPTPP sẽ thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng cân bằng hơn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
Thách thức không nhỏĐánh giá về các thách thức của CPTPP với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các chuyên gia kinh tế nhận định, văn kiện này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận sau khi đàm phán thành công và ký kết, thách thức hội nhập mới trở thành hiện thực đúng nghĩa. Theo ông, đây sẽ là thời điểm cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế, là những thứ mà Việt Nam còn "yếu và thiếu", do vậy vẫn còn nhiều việc phải làm.
Để tận dụng được các lợi ích và khắc phục những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số giải pháp. Trước hết, cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm; đặc biệt, là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
PV (T/H)