Hiện nay, tổn thất sau thu hoạch của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn ở mức cao, 14% đối với lúa gạo 25-30% với chăn nuôi, rau củ quả. Chính vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật để nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch giảm tổn thất là vấn đề quan trọng trong phát triển bền vững vùng châu thổ này.
Vấn đề bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, người dân rất khó tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, giảm tỷ lệ hao hụt nông sản.
Để tháo gỡ tình trạng này, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: Là 1 trong 8 tỉnh, thành phố của ĐBSCL được chọn thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ giai đoạn 2016-2020. Dự án đã thực hiện được trên 400 lớp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, giúp nông dân thay đổi nhận thức về ứng dụng kỹ thuật cao. Qua đây, hướng người nông dân chuyển đổi sang các mô hình hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị nông sản đồng thời tận thu phụ phẩm giảm hao hụt sau thu hoạch.
Thực tế cho thấy, nếu người nông dân ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, sẽ tiết kiệm chi phí, tạo ra năng suất cao hơn, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Đơn cử như ở tỉnh Đồng Tháp, đã ứng dụng khoa học tạo ra các sản phẩm chế biến đa dạng từ nông sản như, chiết xuất tinh dầu cám gạo, chiết xuất tinh chất từ cây sen, phục vụ lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đối với nhóm thực phẩm khó bảo quản sau thu hoạch đã chế biến thành những thực phẩm tiện dụng cho người tiêu dùng như: Nấm rơm sạch, xoài sấy, bánh tráng xoài, mãng cầu xiêm sấy.
Anh Đặng Quý Ngọc, Giám đốc doanh nghiệp Thuận Thiên Thành (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Ngoài sản phẩm mãng cầu tươi và các trái cây khác đóng hộp, Công ty này đã quan tâm nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến để cho ra đời sản phẩm mãng cầu xiêm sấy. Sau thời gian ra mắt, đến nay sản phẩm được thị trường ưa chuộng, dần giải quyết được những mặt hàng trái cây vào mùa chính vụ không bán được.
Dù thời gian qua, việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch để bảo quản, chế biến sản phẩm được áp dụng nhưng vẫn chưa nhiều nên thực trạng “giải cứu nông sản” trong khu vực ĐBSCL vẫn cứ tiếp tục tái diễn. Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông thủy sản ĐBSCL tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao, VCCI Cần Thơ đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Thương mại-Đại sứ quán Israel tại Việt Nam xây dựng Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn”.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI cho rằng, TP. Cần Thơ đã được Bộ Công thương chọn để xây dựng Trung tâm logistics hạng II nên cũng rất cần có những dự án bảo quản, chế biến sau thu hoạch trước khi lên tàu xuất ngoại. Riêng lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch, chúng tôi đã ứng dụng thành công các công nghệ chỉnh sửa gene kiểm soát thời gian chín, tăng độ dày của vỏ trái để kéo dài thời gian bảo quản; các biện pháp vệ sinh môi trường an toàn như rửa, làm khô bằng nước nóng, hấp nhiệt để làm sạch, khử trùng; kiểm soát sinh học, đóng gói để bảo quản...
Bài toán có thể tháo gỡ giúp đầu ra thông thoáng và nâng cao giá trị cho nông sản, chính là người nông dân cần liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, người nông dân cần áp dụng các quy trình sản xuất an toàn để việc liên kết trong chế biến được thuận lợi hơn. Nếu việc hợp tác thuận lợi sẽ giúp nông sản của địa phương tạo ra những giá trị cao, hạn chế thấp nhất hao tổn sau thu hoạch.
NHƯ TÂM