Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện về Bí thư Chi bộ thôn Đồng Mộc

PV - 15:54, 10/08/2018

Là người dân tộc Pà Thẻn nhưng ông Thạch Văn Túc biết cả tiếng Dao, Tày, Nùng, mông… Suốt hàng chục năm làm trưởng thôn rồi bí thư chi bộ, ông trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà con thôn Đồng mộc, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Từ việc giải quyết mâu thuẫn trong mỗi gia đình, dòng họ… đến việc trồng rừng, làm kinh tế, ông Túc đều lo chu toàn.

Đồng Mộc Ông Thạch Văn Túc, Bí thư Chi bộ thôn Đồng mộc, xã Trung Sơn (Yên Sơn) là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. (Trong ảnh: Ông Túc cùng người dân trong thôn tìm hiểu kiến thức về pháp luật).

Không để chuyện bé xé ra to

Nhiều năm về trước, vấn đề tranh chấp đất đai giữa các gia đình, dòng họ ở Đồng Mộc là chuyện nổi cộm nhất. Điển hình như vụ gia đình anh Triệu Văn Phẩm và gia đình anh Lành Văn Ý tranh chấp đất đai, thường xuyên cãi cọ, gây gổ làm mất an ninh trật tự địa phương. Nắm bắt được tình hình, ông Túc đến nhà tuyên truyền giải thích về Luật Đất đai. Ban đầu anh Phẩm nhất quyết: “Đất này là của ma nhà họ Triệu, tao mà không lấy lại được thì có lỗi với tổ tiên lắm” . Ông Túc đưa ra những lý lẽ về tình nghĩa làng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, tình cảm hàng xóm sứt mẻ khác nào như những cây khô trơ trọi trên rừng.

Không chỉ là những lời lẽ giải thích tỉ tê cho đôi bên xuôi tai mà ông còn khéo léo nhiều lần sắp xếp hai người về nhà mình để có dịp gần gũi, trao đổi với nhau. Hai người đàn ông khi đã ngồi chung mâm cơm, uống cùng nhau chén rượu, chịu lắng nghe nhau thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Ông Túc bảo, mỗi con người miền núi đều có những cá tính riêng thế nhưng điểm chung là khi phân xử công bằng, hợp tình, hợp lý thì mọi việc êm xuôi ngay. Vậy là, cả hai gia đình đã ưng thuận chia đôi ranh giới đất đai.

Ông Túc tâm sự, làm công tác hoà giải phải tế nhị, hài hoà, sẽ xoa dịu không khí căng thẳng, tránh để bé xé thành to. Công việc tưởng chừng dễ dàng nhưng khi vào cuộc không hề đơn giản chút nào vì tâm lý “hơn thua” vẫn còn. Điển hình như chuyện gây gổ giữa đám thanh niên chỉ vì tranh nhau một cô gái. Chuyện là anh Bàn Văn Minh và Hoàng Văn Báu cùng thích một cô gái ở làng bên. Hai chàng trai trở thành cái gai trong mắt nhau. Một bữa, chẳng biết thách thức nhau thế nào mà hai anh chàng lôi kéo cả bạn bè để tỷ thí.

Ông Túc bảo, thanh niên xích mích, cãi cọ không phải vụ việc to tát quá nhưng lần này, đứng phía sau cặp trai trẻ đánh nhau lại là hai gia đình từng có mâu thuẫn với nhau từ một vụ tranh chấp đất. Nhận được tin báo, ông lập tức gọi công an viên để cùng ngăn chặn vụ ẩu đả. Sau đó, ông gặp riêng hai gia đình để chuyện trò. Ông còn nhờ các cụ cao tuổi họ Bàn và họ Hoàng vào tham gia. Vừa to nhỏ chuyện trò, ông vừa cương quyết đọc những quy định của luật pháp để răn đe. Nào là việc xử phạt khi gây gổ, làm mất an ninh trật tự; nào là việc cố tình gây thương tích sẽ bị đi tù… Cuối cùng cả hai anh chàng cũng tự nhận lỗi rồi hứa không tái phạm.

Bằng sự khéo léo, tế nhị ông Túc đã giải quyết mọi vụ việc một cách thấu đáo như thế. Nhiều năm liền ông được bình bầu là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Giờ đây, nhiều chuyện lớn nhỏ bà con đều tìm đến ông. Ông là chỗ dựa tinh thần, nơi tin tưởng cho họ giãi bày, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Thạch Văn Túc, Bí thư Chi bộ thôn Đồng mộc, xã Trung Sơn (Yên Sơn) cùng các hộ dân thỏa thuận lại ranh giới đất rừng. Ông Thạch Văn Túc, Bí thư Chi bộ thôn Đồng mộc, xã Trung Sơn (Yên Sơn) cùng các hộ dân thỏa thuận lại ranh giới đất rừng.

Giữ màu xanh Đồng mộc

Không chỉ làm tốt công tác hòa giải, ông còn trực tiếp đến từng gia đình vận động phát triển kinh tế rừng.

Ông bảo, trước kia bà con nghĩ trồng rừng là việc của cán bộ lâm trường, chưa có tư tưởng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Cuộc sống khó khăn, nhiều người chặt phá cây rừng. Nhìn khu đồi trọc mà ông không khỏi xót xa! Vậy là, ông thường xuyên gặp gỡ đối tượng khai thác gỗ, tìm hiểu thấu đáo từng hoàn cảnh để tìm cách tuyên truyền, vận động.

Từng là một lâm tặc có tiếng, anh Hoàng Văn Khánh chia sẻ: “Ngày đó, mình trốn tránh lực lượng chức năng vào rừng đốn gỗ rồi bán cho thương lái. “Đói ăn vụng, túng làm liều” , bởi ruộng nương ít, năng suất thấp. Thế nhưng lam lũ đầu tắt mặt tối, cuộc sống dân bản vẫn quẩn quanh trong đói nghèo, rừng bị tàn phá chỉ thương lái được lợi mà thôi. Cuộc sống của tôi sẽ chẳng có ngã rẽ nếu không có sự quan tâm nhiệt tình của ông Túc” .

Ông Túc hiểu thấu khó khăn của Khánh. Có lần ông nói với Khánh: “Khao khát làm giàu thoát khỏi cuộc sống đói nghèo là đáng trân trọng nhưng con người phải vượt lên bằng những việc làm chính đáng thì đồng tiền mới bền vững được” . Những lời nói thấu tình đạt lý của ông như chạm vào trái tim giúp anh “vỡ” ra bao điều. Đúng là “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” , có mấy ai giàu lên được khi phá rừng đâu. Nghe lời ông Túc, anh Khánh “rửa tay gác kiếm” . Cái tin anh Khánh góp vốn với một người bạn (trước kia cũng chuyên phá rừng) mua cây giống trồng trên 15ha đồi ở thôn khiến bao người ngạc nhiên. “Cặp đôi” ấy một thời “làm mưa, làm gió” hạ đốn nhiều cây gỗ nay đi đầu trong công tác trồng rừng. Anh Khánh bảo, cũng là nhờ sự thay đổi lớn trong nhận thức, cán bộ thôn vận động, hướng dẫn tận tình. Và cứ thế, phong trào trồng rừng dần lan tỏa ở bản làng xa xôi này. “Miệng nói tay làm” , để nêu gương cho bà con, ông Túc nhận 10ha đất đồi về trồng. Cách thức “lấy ngắn nuôi dài” , trồng xen canh cây ngô, sắn trong quá trình đợi cây keo, cây mỡ khép tán. Ông vay vốn mở rộng chăn nuôi thêm lợn, gà. Lợi nhuận ông thu được từ mô hình kinh tế tổng hợp đạt trên 100 triệu đồng/năm. Thấy được lợi ích kinh tế lâu dài, bà con trong thôn chủ động trồng rừng. Toàn thôn hiện có 95 hộ, trồng được 200ha. Ông Túc khoe, ở đây nhà nào cũng có rừng, hộ ít thì từ 2 đến 3ha, hộ nhiều gần chục ha. Nhiều hộ trở thành hộ khá giả như: Hoàng Văn Khánh, Ngô Văn Khánh sở hữu vườn đồi trị giá 300 triệu đồng, hộ Chu Viết Khanh vừa bán 3ha rừng thu gần 130 triệu đồng... Anh Dương Văn Đông cho biết, nhờ phát triển kinh tế lâm nghiệp, gia đình đã sắm được chiếc xe ô tô phục vụ vận tải trị giá 400 triệu đồng. Màu xanh của rừng dần trải khắp bản làng như những bước tường thành ngăn mưa nguồn suối lũ, bảo vệ, chở che các hộ dân. Giờ đây, Đồng Mộc là thôn dẫn đầu trồng rừng toàn xã. Nhiều hộ trong thôn mua sắm được ti vi, loa, đài, xe máy… từ phát triển kinh tế rừng. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thạch Văn Túc.

GIANG LAM

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.