Lòng dân đồng thuận
Đường cứu hộ vùng lũ, bảo đảm an ninh quốc phòng huyện Nghĩa Đàn đi qua xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn dài gần 9 km. Khi có chủ trương mở rộng đường để đổ nhựa, tất cả các hộ dân có đất liên quan đến giải phóng mặt bằng đã đồng thuận hiến tặng. Điển hình nhất là xóm Minh Lâm, nơi có gần 100% đồng bào DTTS sinh sống. Gia đình ông Lô Văn Quang, dân tộc Thái ở xóm này, đã tình nguyện phá hơn 70 m tường rào và chặt nhiều cây cối để mở rộng đường. Mặc dù, thời điểm này gia đình còn nhiều khó khăn, việc xây dựng lại tường rào mới tốn không ít tiền của, nhưng ông đã bàn bạc với vợ sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng.
Đặc biệt, ông Lô Văn Quang còn đứng ra vận động hàng xóm xung quanh, tự nguyện hiến đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Quang chia sẻ: Vợ chồng phấn đấu mấy năm mới xây được tường rào, nhưng vì chủ trương của Đảng, Nhà nước nên gia đình tình nguyện phá dỡ.
Từ tinh thần hiến đất mở đường của Nhân dân xóm Minh Lâm, gần 100 hộ dân của xã miền núi Nghĩa Lâm đã noi theo, hiến đất, tháo dỡ tường rào và nhiều cây cối có giá trị.
Con đường Tung Cồng của bản Pha, xã Yên Khê (huyện Con Cuông) trước chỉ rộng 3m. Khi có chủ trương mở rộng đường của xã, huyện, bà con bản Thái đã đồng tâm dỡ bỏ tường rào, chặt cây cối nhường đất.
Một trong những người đi đầu tự nguyện hiến tài sản mở đường là vợ liệt sĩ chống Pháp - cụ bà Lô Thị Dung. Chống cây gậy bước chậm rãi trên con đường bê tông rộng thoáng, sạch và rợp bóng mát, cụ Dung móm mém: Bà chỉ đóng góp nhỏ thôi, không đáng nói mô, chỉ như hạt cát thôi. Bà chỉ nghĩ là có đường thì đi lại thông thoáng hơn, làm ăn dễ dàng hơn.
“Hạt cát nhỏ” mà cụ Dung nói đến là 22 m2 đất ở và gần 18 m bờ tường, 2 trụ cổng đã xây kiên cố cùng nhiều cây ăn quả lâu năm. Căn nhà tình nghĩa của cụ Dung nằm nép bên cung đường Tung Cồng của bản Pha.
Ở bản Pha, nhiều hộ gia đình khác cũng hy sinh lợi ích, tài sản của mình để bản, làng có con đường đẹp. Tính ra, để làm con đường Tung Cồng, người dân bản Pha đã hiến gần 500 m2 đất ở và hàng trăm mét bờ tường và 10 trụ cổng kiên cố…
Ông Tăng Ngọc Sơn, Trưởng bản Pha, xã Yên Khê tâm sự: Chưa bao giờ bản Pha đổi mới như hôm nay. Dân bản từ nay hết cảnh lầy lội, khổ sở trên con đường cũ. Những con đường mới mở mang dấu ấn về sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và sự hy sinh lợi ích cá nhân của bao nhiêu hộ gia đình. Hôm nay, người dân bản Pha có các tuyến đường rộng đẹp, có nước dẫn về tận ruộng, tận vườn, có điện chiếu sáng đến tận các thôn cùng ngõ vắng.
Việc hiến đất, tài sản để mở đường, chúng tôi còn được nghe, được biết ở rất nhiều bản làng vùng miền Tây xứ Nghệ. Chợt nghĩ, đó là những con đường đồng thuận, con đường của lòng dân kết hợp chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Câu chuyện ở bản Côi, xã Lượng Minh (Tương Dương), đã minh chứng thêm cho điều ấy. Trước nay, đường vào khu sản xuất phải men theo suối rất khó khăn. Không thể cứ khổ sở, vất vả mãi khi nông sản làm ra khó thu hoạch, bà con bản Côi đã đồng thuận mở đường.
Men theo những triền dốc, người dân đứng nối nhau thành hàng dài cùng phát quang cây bụi, cùng san gạt tạo con đường mới dẫn ra khu sản xuất. Những cây cối nằm trên phần đất của gia đình nào, thì đều được tự nguyện hiến tặng, dỡ bỏ để “đại công trình” sớm hoàn thành.
Đường lớn đã mở…
Cũng như nhiều vùng miền núi khác trên cả nước, vùng miền Tây Nghệ An có diện tích tự nhiên chiếm 2/3 toàn tỉnh, địa hình chủ yếu là núi rừng, nhiều nơi có độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển. Rào cản khó khăn nhất đối với phát triển kinh tế - xã hội của bà con nơi đây, chính là sự gian nan của đường giao thông. Vì thế, mở những con đường mới, nâng cấp hệ thống giao thông nơi đây cũng chính là khai mở sự văn minh, hiện đại đến với bản làng.
Chủ tịch UBND xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) Vi Đình Phúc bộc bạch: Chỉ có mở đường giao thông người dân mới có thể phát triển kinh tế. Hiện chưa có nguồn kinh phí để làm đường bê tông, nên bà con chung sức mở đường đất trước. Theo Chủ tịch xã Vi Đình Phúc như ở bản Côi, bà con đã hăng hái lao động trong 6 ngày, mở được 1,4 km đường núi, đào hàng trăm mét khối đất, đá. Ngoài bản Côi, 160 người dân bản Chằm Puông cũng đóng góp, mỗi người gần 2 ngày công để mở đường mới vào khu sản xuất dài hơn 400 m.
Khoảng 10 năm gần đây, sự đổi thay rõ nét nhất ở miền Tây xứ Nghệ chính là sự vươn xa của những cung đường. Sự phát triển mạnh về hạ tầng giao thông đã mở ra những đổi mới về kinh tế - xã hội. Ở các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông… hầu hết các xã đã có đường nhựa vào tận trung tâm xã. Hệ thống giao thông nối đến trung tâm các bản, làng hầu như được “phủ kín” bằng các trục đường bê tông chắc chắn.
Nhờ sự “dẫn lối” hạ tầng giao thông, theo đó, các chợ phiên buôn bán hàng hóa cũng được hình thành, mở ra không chỉ cơ hội kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế, mà còn mở hướng tư duy cho người dân về sự tự giác vươn lên, thoát khỏi trông chờ, ỷ lại.
Phát biểu tại Hội thảo xây dựng nông thôn mới các thôn, bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An mới diễn ra vừa qua, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Trong quá trình thực hiện, các địa phương vùng miền Tây đã có những cách làm sáng tạo, cách tiếp cận phù hợp tình hình thực tế của địa phương để nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông gắn với các mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả. Từ đó, giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tạo ra khí thế thi đua giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản với nhau.