Hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bước vào thời bình, Cự Nẫm vươn lên không ngừng. Không chỉ làm kinh tế đơn thuần, bắt nhịp với sự phát triển của thời đại, Cự Nẫm còn vươn lên hội nhập quốc tế thông qua các mô hình du lịch Homestay, Farmstay (đón khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, thăm quan địa phương và trải nghiệm các công việc làm vườn, làm nông ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng).
Mỗi nông dân là một hướng dẫn viên du lịchTừ sự năng động hội nhập này, hình ảnh ấn tượng, thân thương, kiên cường của Cự Nẫm nói riêng, Quảng Bình và Việt Nam nói chung in đậm trong tâm trí hàng triệu du khách quốc tế. Có khách quốc tế còn bén duyên làm rể làng Cự Nẫm để mang thêm nhiều kiến thức từ các nước tiên tiến về truyền đạt cho người dân nơi đây.
Nhìn cảnh quê hương đổi mới từng ngày, cựu chiến binh Trần Văn Quốc như trẻ khỏe hơn so với cái tuổi ngoài 70 của mình. Ông nói: Mình già rồi mà cũng vẫn học tiếng Anh giao tiếp đấy. Học đến đâu thấy thú vị đến đó, vì được tiếp xúc với nhiều người nước ngoài. Trong đó có những cựu chiến binh Mỹ một thời tham chiến ở Quảng Bình, giờ họ quay lại thăm và chia sẻ một phần khó khăn với bà con ở vùng đất này.
Khách quốc tế đến du lịch ngày càng đông nên từ nông dân đến cựu chiến binh; từ người già đến người trẻ đều bắt nhịp làm quen với mô hình du lịch Homestay, Farmstay. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Cự Nẫm nguyện hy sinh hết mình để che chở cán bộ cách mạng và các chiến sĩ. Tinh thần cách mạng luôn cháy bỏng trong từng người dân Cự Nẫm. Bao phen địch muốn san phẳng Cự Nẫm nhưng đều thất bại, Cự Nẫm xứng đáng là làng kháng chiến kiểu mẫu. Giờ đây cũng xứng đáng là điển hình làm kinh tế thời hội nhập.
Từ những ngày gian khó, thấy nhiều đoàn khách quốc tế ấn tượng với khung cảnh đồng quê, các cơ sở cách mạng xưa, những cựu chiến binh như ông Quốc cùng với chính quyền địa phương bàn cách làm du lịch kiểu Homestay, Farmstay. Những thanh niên sáng dạ được làng Cự Nẫm đưa đi học tiếng Anh, học nghiệp vụ du lịch còn các nông dân thì học giao tiếp các từ đơn giản để hướng dẫn khách ăn ở và tham gia các trò chơi dân gian, các công việc thường nhật như: trồng cây, xới đất, trồng hoa lan…
Hầu hết khách Tây đến Cự Nẫm đều nghỉ lại vài đêm ở nhà dân, họ trả công hướng dẫn, trả tiền lưu trú cho người Cự Nẫm rất hậu hĩnh nên có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống ổn định và phát triển hơn.
Quảng bá hình ảnh đất nướcÔng Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm khẳng định: Việc người dân làng Cự Nẫm xông xáo hội nhập làm du lịch ngay tại làng mình đã thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; đồng thời, còn quảng bá hình ảnh Việt Nam đến hàng triệu khách quốc tế. Chúng tôi rất tự hào và khuyến khích người làng Cự Nẫm làm du lịch.
Khách Tây rất thích thú và ấn tượng sâu sắc với bản tính hiền lành, chân chất của người Cự Nẫm lẫn lịch sử đấu tranh hào hùng của mảnh đất này. Có khách Tây đến lưu trú nhiều ngày liền ở Cự Nẫm sau đó họ còn mang những câu chuyện về vùng đất, con người Cự Nẫm về quốc gia họ để quảng bá; nhiều vị khách khác nghe xong quyết sang Việt Nam tìm đến Cự Nẫm để được sống và trải nghiệm trong không gian yên bình của Cự Nẫm ít ngày. Những ngày lưu trú trong những căn nhà giản dị của người dân Cự Nẫm, khách Tây còn được học thêm nhiều phong tục, lễ hội văn hóa độc đáo đồng bào nơi đây.
Quá yêu Cự Nẫm, anh Benjamin, người Úc cũng đã bén duyên với thiếu nữ làng Cự Nẫm là chị Lê Thị Bích. Hai người nên duyên vợ chồng, anh Benjamin miệt mài truyền dạy tiếng Anh miễn phí cho các nông dân Cự Nẫm, giúp họ có thêm nhiều kỹ năng trong việc đón tiếp khách quốc tế. Đồng thời, Benjamin cũng xây dựng một khu lưu trú ngay tại Cự Nẫm và nhận chính những người Cự Nẫm vào làm việc.
Từng là người quanh năm chỉ biết vào rừng kiếm gỗ, kiếm củi giờ thành hướng dẫn viên du lịch, chị Nguyễn Thị Nhất vui mừng cho biết: Anh Benjamin rất chăm chỉ làm việc và hằng ngày đều lên mạng internet để quảng bá hình ảnh, tính tình con người Cự Nẫm với bạn bè và khách khắp năm châu. Làng Cự Nẫm giờ đây đã coi anh là công dân, là đứa con rể đặc biệt của làng rồi. Chúng tôi làm phòng nghỉ ngay tại nhà, khách Tây đến ăn ở và nghe chúng tôi kể chuyện.
Để hình ảnh quê hương ngày càng ấn tượng hơn trong lòng du khách quốc tế, từng người dân Cự Nẫm cũng đã cam kết không gây lộn, không quậy phá, không để môi trường sống bị ô nhiễm, không ai được to tiếng hay cãi vã với khách du lịch khi họ đến thăm quan làng…
ĐÔNG HƯNG