Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”: Góp phần thay đổi hành vi vệ sinh nông thôn

PV - 10:49, 04/07/2018

Giai đoạn 2016-2020, 21 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”. Chương trình đã giải “cơn khát” về nguồn nước sinh hoạt cũng như nền nếp vệ sinh môi trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Một trong những mục tiêu của Chương trình là góp phần thay đổi hành vi về vệ sinh nông thôn. (Ảnh minh họa). Một trong những mục tiêu của Chương trình là góp phần thay đổi hành vi về vệ sinh nông thôn. (Ảnh minh họa).

 

Lai Châu hiện là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, với 62 xã thuộc diện ĐBKK trong giai đoạn 2017-2020. Cùng với những “điểm trũng” về kinh tế thì ở những địa bàn khó khăn của tỉnh, nhận thức về vệ sinh môi trường của người dân còn nhiều hạn chế.

Làm thế nào để giải quyết vấn đề trên, góp phần phòng chống dịch bệnh, cải thiện sức khỏe cho người dân? Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, địa bàn giao thông cách trở… thì đây thực sự là bài toán khó. Ngay cả việc thực hiện chỉ tiêu nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh bao năm nay tại Lai Châu vẫn cứ trồi sụt. Giai đoạn 2011-2015, Lai Châu đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này đạt 90% vào năm 2015; nhưng tính đến hết năm 2016 vẫn chỉ đạt 78,2%.

Một niềm hy vọng mới khi giai đoạn 2016-2020, Lai Châu được đưa vào danh sách 21 tỉnh, thành phố được thụ hưởng Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”. Mục tiêu của Chương trình nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các tỉnh tham gia dự án. Đồng thời, Chương trình này sẽ góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh Lai Châu có 25 xã thuộc 7 huyện được thụ hưởng.

Trong năm 2017, tỉnh Lai Châu đã được bố trí gần 18 tỷ đồng (gần 17 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Thế giới, 1 tỷ đồng vốn đối ứng của địa phương) để triển khai Chương trình tại 5 xã thuộc 3 huyện. Từ nguồn vốn này, tỉnh Lai Châu đã khởi công xây dựng 4 công trình cấp nước; xây dựng 7 công trình vệ sinh, cải tạo đầu tư 15 điểm rửa tay với xà phòng, phục vụ 15 trường thuộc 5 xã (Bản Hon, Bản Bo, Phúc Khoa, Nậm Cần, Mường So); hỗ trợ xây dựng mới nhà tiêu hợp vệ sinh cho 600 hộ gia đình…

Cùng với Lai Châu, nhiều địa bàn khó khăn thuộc 20 tỉnh, thành phố được thụ hưởng trên cả nước cũng đang nỗ lực triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”. Theo kế hoạch, mục tiêu của Chương trình đến năm 2020 là có 5,3 triệu người hưởng lợi từ vệ sinh toàn xã; 255.000 hộ gia đình hưởng lợi từ cấp nước; 2.650 trường học và trạm y tế hưởng lợi từ công trình cấp nước và vệ sinh được cải thiện…

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần vệ sinh nông thôn và thay đổi hành vi về vệ sinh, Chương trình nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các tỉnh tham gia dự án.

“Việc người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh được cải thiện sẽ làm giảm tình trạng bệnh tật trong khu dân cư, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh và một số bệnh thường gặp nhất đối với trẻ em, phụ nữ, giảm chi phí khám chữa bệnh cho gia đình và xã hội, tăng cường sức khoẻ người dân”, bà Hương cho biết.

Đặc biệt, Chương trình sẽ tác động tích cực, trong việc hình thành thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp. Với hợp phần truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh nông thôn, Chương trình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, vùng đồng bào DTTS.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, cho rằng, Chương trình được “giải ngân theo kết quả đầu ra”, do đó cách thức thực hiện, cơ chế tài chính và đặc biệt là các yêu cầu của chỉ tiêu cao hơn so với điều kiện kinh tế-xã hội ở địa bàn triển khai. Vì vậy, các địa phương được thụ hưởng phải chỉ đạo sát sao, lồng ghép các ngồn vốn, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình đề ra.

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới, có tổng kinh phí thực hiện hơn 225 triệu USD. Các tỉnh tham gia Chương trình gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Khánh Thư

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.