Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chợ nổi Cái Răng trước nguy cơ bị "chìm"

S.Vy - H.Diễm - 20:11, 22/03/2023

Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tồn tại hơn 100 năm qua. Đây cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Cần Thơ. Tuy nhiên, chợ nổi Cái Răng đã không còn sức hấp dẫn du khách.

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ nổi Cái Răng
Du khách tham quan, mua sắm tại chợ nổi Cái Răng

Sự hấp dẫn đang giảm

Chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh, từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là 1 trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới bởi sự “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là biểu tượng ấn tượng nhất của du lịch xứ Cửu Long Giang đang đứng trước nguy cơ sẽ biến mất trong khoảng 5 - 10 năm nữa, nếu không có giải pháp bảo tồn, phát triển phù hợp. Thực tế, hiện nay, chợ nổi Cái Răng đang ngày càng giảm sức hấp dẫn trong mắt du khách. Anh Trần Công Đức, một du khách đến từ Bình Dương bày tỏ: “Tôi có hơi thất vọng khi đến chợ nổi lần này, vì nó không giống như những gì tôi nghĩ. Các hoạt động buôn bán của thương hồ không nhiều. Các sản phẩm trên các bè cũng không phong phú. Chỉ có một số ghe xuồng thấy khách đến thì tấp ghe vào bán nước, bán trái cây, đồ ăn sáng thôi. Không có nhiều thứ để xem, để trải nghiệm”.

Chị Nguyễn Mai Hương - nữ du khách đến từ Hà Nội cũng có nhận xét, chợ nổi Cái Răng không có sự khác biệt, đặc sắc so với các điểm du lịch khác ở Cần Thơ. Chợ cũng bày bán trái cây, các loại bánh trái đặc sản như các điểm khác. Có khác một chút là khi ghe chở khách vừa tới là có ghe của người dân đậu cặp, mời uống cà phê, ăn sáng ngay trên ghe. 

"Điều này khá thú vị, không giống ở những nơi khác, nhưng như vậy là chưa đủ để chợ nổi Cái Răng hấp dẫn. Khách như tôi muốn thấy cảnh sinh hoạt của người dân sống trên ghe, mua bán trên ghe. Điều này tôi đã từng thấy khoảng chục năm trước đó khi đến chợ này”, nữ du khách cho ý kiến.

Tiểu thương chọn thực phẩm để bán trên chợ nổi
Tiểu thương chọn thực phẩm để bán trên chợ nổi

Qua rồi thời họp chợ

Du khách đa phần tìm đến chợ nổi là để được đắm mình trong không gian mua bán tấp nập, tiếng nói cười xôn xao, tiếng hò, tiếng rao trên chiếc thuyền tam bản chất đầy các loại trái cây - một nét rất riêng và đặc sắc của người miền Tây. Hiện tại, chợ nổi vẫn còn, nhưng thưa thớt thuyền, vì cái hồn của chợ nổi là thương hồ đã dần thưa vắng. Bởi theo các thương hồ, họ không thể sống đời chợ gạo, nước sông mãi được nên dù có tiếc nuối cũng đành bỏ ghe xuồng tìm đường mưu sinh khác.

Chị Lê Thị Cúc, phường Tân An, quận Ninh Kiều cho biết: Hơn 15 năm trước chị có ghe mua bán hàng bông ở chợ Cái Răng. Chị chuyên bán những lại rau củ đặc sản của xứ khác, rồi đón mua trái cây của các vùng lân cận mang lên bờ bán lại. Bây giờ thời buổi hiện đại, nông dân vừa trồng xuống là người ta đã ký hợp đồng bảo đảm giá và thu mua tại vườn rồi. Ai cũng tiếc nuối, nhưng nói thật, nhớ lại cảnh lênh đênh sông nước chị sợ lắm. Tất cả đều ăn uống, xả thải trên sông, nhiều gia đình lo mua bán sơ hở chút là mất con luôn.

Nhiều ý kiến cho rằng, thương hồ là linh hồn, là những người làm nên chợ nổi. Muốn giữ chợ trước hết phải giữ được thương hồ. Nhưng có lẽ chính quan điểm này là khởi nguồn của sự bế tắc.

Mong muốn khôi phục lại nguyên bản cảnh nhộn nhịp của hàng trăm tàu, thuyền, ghe buôn bán trái cây, rau củ, gạo, hải sản cùng tụ về một khúc sông cùng thời điểm, là điều không khả thi và nếu cố làm cho được thì vô cùng tốn kém và nhanh chết yểu. Kể cả ý tưởng kêu gọi các thương hồ ra buôn bán ngã ba sông, chính quyền sẽ bù lỗ cũng không phải là kế sách lâu dài.

Cùng với nhịp sống đô thị hóa, hệ thống đường bộ ở ĐBSCL ngày càng hoàn thiện, phủ kín hầu khắp các xã, huyện, giao thông thủy giảm hẳn. Việc vận tải hành khách, hàng hóa bằng tàu thuyền dần được thay thế bằng xe tải, xe khách với khối lượng lớn, tốc độ cao, khoảng cách xa và cơ động. Nhà ở từ chỗ quay mặt ra sông, kênh rạch nay quay ra đường và di chuyển từ nơi này qua nơi khác bằng xe máy thay cho ghe, thuyền.

Hơn nữa, khi điện thoại di động phủ kín, việc mua hàng Online và giao hàng tận nơi trở thành chuyện thường ngày. Thực tế cho thấy, hầu hết thương hồ bỏ sông nước lên bờ làm ăn, mua xe hơi chạy hàng. Nền kinh tế sông nước mang đặc tính tự cung, tự cấp, tự nhiên về cơ bản đã hoàn thành vai trò lịch sử.

Chợ nổi là điểm đến không thể bỏ qua của du khách nước ngoài khi đến Cần Thơ
Chợ nổi vẫn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách nước ngoài khi đến Cần Thơ

Những kiến giải đáng quan tâm

Trong bối cảnh như thế, muốn bảo tồn chợ nổi, ngoài giữ chân thương hồ cần nhìn nhận vấn đề bao quát hơn nữa, tính toán đến trường hợp không thể phục hồi nguyên vẹn giá trị của chợ nổi, thì cần thay bằng một mô hình chợ nổi  theo một cách khác. 

Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta có thể học hỏi theo mô hình chợ nổi của các nước trong khu vực. Có thể tìm các khúc sông hẹp hơn, con nước êm hơn và không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Khu vực này là tổ hợp các công trình cố định trên bờ và nổi trên mặt nước như khách sạn, nhà hàng, quán xá, cửa hàng bán thực phẩm, đồ lưu niệm, quán cà phê, Casino, sân khấu dành cho biểu diễn ca nhạc, thời trang... Các thuyền cố định kết thành mảng và các thuyền di động chở khách du ngoạn trên sông cùng với công viên, vườn hoa trên bờ sông.

Cô Trần Ánh Nguyệt (xã Phú Thứ, phường Cái Răng), nguyên là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, cô may mắn đi được nhiều nơi du lịch có chợ trên sông, với nhiều mô hình khác nhau vô cùng hấp dẫn. Chợ nổi Cái Răng mang nét văn hóa truyền thống của nông dân sông nước miệt vườn, nhưng chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều về sự tồn tại nhộn nhịp nữa, bởi chúng ta kêu gọi nông dân hội nhập giao thương, hàng hóa xuất khẩu...

Bên cạnh đó, người dân thì có mức sống cao hơn thực phẩm chọn lọc, trái cây, hàng hóa có nhãn mác, có chỉ dẫn địa lý... Với nhịp sống hiện nay, dù chính quyền kêu gọi tiểu thương xuống mua bán trên sông họ cũng không thể phát triển được.

Tuy nhiên, nếu được đầu tư đúng mức, có chiến lược phát triển và bảo tồn đúng hướng, phù hợp với thực tiễn hiện nay, thì chợ nổi sẽ tránh được nguy cơ "chìm" để thêm cơ hội cho du lịch phát triển và phát huy đúng tầm Di sản phi vật thể Quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.