Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính và ngân sáchTrình bày báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước về các nhiệm vụ và giải pháp ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%. Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Theo đó, Chính phủ tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức; thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; giảm tỉ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%; phấn đấu thu NSNN vượt 3% dự toán. Triệt để tiết kiệm chi NSNN, hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước; phấn đấu bội chi NSNN dưới 3,7% GDP. Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, giữ nợ công trong giới hạn quy định. Khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được giao, không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước; tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế; tăng cường quản lý, kiểm soát nhập khẩu; cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại với các đối tác, thị trường nhập siêu cao; phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu bền vững.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả, đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có giải pháp phù hợp không để tình trạng chi phối, lũng đoạn thị trường bán lẻ. Đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và nông dân. Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu.
“Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là các nhóm chỉ tiêu xếp hạng thấp. Cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh. Lựa chọn những lĩnh vực, vấn đề trọng tâm để tiếp tục tổ chức các hội nghị toàn quốc, thống nhất giải pháp và hành động, tạo ra những đột phá mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh thời gian và chi phí tuân thủ, nhất là về đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, bảo hiểm xã hội, phá sản doanh nghiệp, lý lịch tư pháp, hộ tịch”, báo cáo của Chính phủ cho biết.
Báo cáo nhấn mạnh đến việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện, thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở.
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởngĐề cập đến cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, kế hoạch, chương trình cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, giám sát và chỉ đạo thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phấn đấu đạt tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP trên 46%. Cải thiện các lĩnh vực xã hội, nâng dần giá trị và vị trí xếp hạng quốc tế về chỉ số phát triển con người (HDI).
“Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Hoàn thành việc phê duyệt và đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại đối với từng tổ chức tín dụng. Tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ NSNN; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; xử lý nghiêm các vi phạm. Phát triển các thị trường chứng khoán, bảo hiểm lành mạnh, an toàn, bền vững”, báo cáo nêu rõ.
Một trong những nhiệm vụ lớn được Chính phủ tổ chức thực hiện quyết liệt trong thời gian tới là cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán. Tập trung vốn đầu tư công cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm. Rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phấn đấu tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; trong đó tỉ trọng vốn đầu tư tư nhân khoảng 41%. Thu hút có chọn lọc các dự án FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Theo báo cáo của Chính phủ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng; tập trung xây dựng 3 nhóm sản phẩm chủ lực phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu (bao gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm cấp tỉnh, thành phố và Nhóm đặc sản làng, xã). Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; giảm chi phí trung gian để tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản. Phấn đấu năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD; có ít nhất 54 huyện và 39,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ; tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics... Cơ cấu lại các lĩnh vực vận tải, tập trung tăng cường kết nối, phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp giảm chi phí logistics; kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo; xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam và của từng vùng, miền, địa phương. Mở rộng áp dụng cấp thị thực điện tử và đơn phương miễn thị thực cho một số địa bàn trọng điểm, quan trọng. Phấn đấu thu hút 15-16 triệu lượt khách quốc tế và tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%.
Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả cơ chế điều phối trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế, thành phố lớn; chủ động thúc đẩy liên kết giữa các vùng với các nước trong khu vực. Xây dựng, phát triển các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sau khi được Quốc hội thông qua.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triểnTập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi). Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình người có công, các chính sách an sinh xã hội, các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc. Chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình sáng tạo trong giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó là tập trung củng cố y tế dự phòng, phát triển y tế cơ sở, y học gia đình. Khẩn trương đưa các bệnh viện trung ương, tuyến cuối vào hoạt động. Đẩy mạnh triển khai tự chủ bệnh viện, chuyển về địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao y đức và chất lượng khám chữa bệnh. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực với thầy thuốc, bảo đảm an toàn trong cơ sở y tế. Mở rộng danh mục thuốc, vật tư đấu thầu tập trung; quản lý chặt chẽ thuốc, trang thiết bị y tế. Đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng. Kiểm tra, giám sát hiệu quả an toàn thực phẩm, đề cao trách nhiệm của địa phương, người đứng đầu. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng, thanh toán, chống lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, phát triển giáo dục đào tạo vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách. Khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ nền tảng mới. Nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi chính sách, đưa khoa học công nghệ gắn với các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Làm tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và phát triển công nghiệp văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị, di sản văn hóa dân tộc, truyền thống tốt đẹp. Thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có việc tang lễ, cưới hỏi. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục để ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống. Tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại, đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em. Tạo điều kiện phát triển thể thao lành mạnh, loại trừ tiêu cực. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, người cao tuổi, người khuyết tật, gia đình, trẻ em, thanh thiếu niên, bình đẳng giới. Kịp thời ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và đời sống.
Theo Chính phủ