Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chiếc guồng nước của đồng bào Thái

PV - 14:16, 31/07/2019

Có dịp đến xã Châu Tiến, huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An), du khách sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc guồng nước (hay còn gọi là cái cọn nước) mà người dân tộc Thái nơi đây gọi là láng pặt ở hai bên bờ sông Nậm Việc. Không chỉ là nông cụ đắc lực trong sản xuất nông nghiệp, những chiếc guồng nước đã trở thành hình ảnh quen thuộc của bản làng và là một nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Thái nơi đây.

Những chiếc guồng trên dòng sông Nậm Việc bản Ban, xã Châu Tiến. Những chiếc guồng trên dòng sông Nậm Việc bản Ban, xã Châu Tiến.

Ông Vi Văn Hòe, Trưởng bản Ban, xã Châu Tiến cho biết, người dân tộc Thái nơi đây thường làm guồng nước từ cuối vụ, hoặc đầu vụ mùa mới. Tất cả vật liệu để làm guồng đều có nguồn gốc từ núi rừng như tre, nứa, gỗ, lùng. Hình dạng chiếc guồng được cấu tạo giống như bánh xe đạp và có đường kính từ 5 đến 10m. Trục quay làm bằng các loại gỗ chắc chắn, có khả năng chịu mài mòn.

Nan hoa làm bằng loại tre già, có sức chịu đựng trong môi trường ẩm ướt. Vành guồng rộng khoảng 45-50cm, được đặt các phên nứa để cản nước, tạo lực đẩy guồng quay và có gắn các ống bương (lùng) buộc chếch khoảng 30 độ để múc đầy nước khi chìm xuống. Lực đẩy của nước khiến guồng quay liên tục, đến tầm cao nhất định, thì các ống bương bắt đầu đổ nước vào các máng dài được làm từ thân cây mét chẻ đôi. Từ đó, hệ thống máng dẫn nước chảy về tưới cho những cánh đồng, các chân ruộng bậc thang.

Cũng theo ông Vi Văn Hòe, những năm 90 của thế kỷ trước, ở 3 bản Hoa Tiến và Hạnh Tiến và bản Ban có trên 200 guồng nước được đặt dọc hai bên bờ sông Hạt, sông Việc. Trải qua thời gian, nhiều chiếc đã bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nên số lượng guồng nước giảm dần, đến nay chỉ còn hơn một nửa (160 guồng). Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã Châu Tiến được đầu tư xây dựng một số công trình kênh mương hóa nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới, nhiều gia đình cũng đã mua sắm được máy bơm để bơm nước tưới ruộng vào mùa nắng hạn. Nhưng với một địa phương mà diện tích đất nông nghiệp phần lớn là ruộng bậc thang như ở 3 bản nói trên, thì những chiếc guồng nước vẫn giữ một vị trí quan trọng. Bởi vậy, người dân rất coi trọng công tác tu sửa làm mới các guồng nước.

Năm 2018, bản Ban đã làm thêm được 30 guồng nước, cùng với các công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng, những chiếc guồng đã phục vụ đủ lượng nước tưới cho hơn 16,7ha ruộng lúa 2 vụ, góp phần đem lại cho bà con dân bản Ban những mùa vụ tốt tươi.

Không đơn thuần chỉ là một công cụ thủy lợi, guồng nước đã trở thành một bản sắc văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú cho nét văn hóa các dân tộc ở nơi đây: bên nếp nhà sàn truyền thống, nghe tiếng thanh lách cách đưa trên khung cửi, tiếng rầm rì của những chiếc guồng nước quay ngày đêm hòa quyện cùng với những điệu nhuôn, điệu xuối, tạo thành bản nhạc làng quê thơ mộng, yên bình...

NGÔ HOÀI AN

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.