Mặc dù thuộc địa bàn TP. Lào Cai, nhưng người dân ở xã Cam Đường vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy năm 2014, HTX Dịch vụ nông nghiệp Cam Đường được thành lập. Thế nhưng chính ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc của HTX cũng phải thừa nhận, thực chất HTX này thành lập ra chỉ để xã hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM. Trên thực tế, từ khi thành lập tới nay HTX không có bất kể hoạt động gì.
“Mỗi khi cấp trên yêu cầu báo cáo, chúng thôi chẳng biết báo cáo cái gì. Tất cả mọi thứ mới chỉ là bàn bạc trên giấy tờ thôi. Nói là ngừng hoạt động cũng không đúng vì đã làm gì đâu mà gọi là ngừng”, ông Dũng bộc bạch.
Ông Đặng Hoàng Long, Chủ tịch UBND xã Cam Đường cho biết: Theo đề án xây dựng NTM của xã, có một tiêu chí về HTX, tổ hợp tác (tiêu chí số 13) Để đáp ứng tiêu chí này, HTX Dịch vụ nông nghiệp Cam Đường ra đời theo quyết định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lào Cai. Đơn vị cấp giấy đăng ký kinh doanh là Phòng Tài chính-Kế hoạch thành phố. Các thành viên của HTX cũng có đại diện nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng thực ra, cũng chưa hoạt động được đúng theo Luật HTX, mạnh ai nấy làm.
HTX Dịch vụ tổng hợp Bản Qua, huyện Bát Xát thành lập 2005, trên cơ sở HTX dịch vụ nông nghiệp, đến nay cũng “sống dở, chết dở”.
Ông Lý Khánh Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Qua thừa nhận, HTX dịch vụ tổng hợp Bản Qua đã dừng hoạt động từ nhiều năm nay. Năm 2016, xã lên phương án giải thể. Tuy nhiên, thời điểm này xã đang chuẩn bị về đích NTM, nếu giải thể HTX thì lại không bảo đảm tiêu chí.
“Năm 2017, sau khi hoàn thành NTM, xã đã chính thức đề xuất lên huyện rồi lên tỉnh xin tự giải thể HTX dịch vụ tổng hợp Bản Qua. Và tới cuối năm 2017, tên HTX này đã có trong danh sách buộc phải giải thể của tỉnh Lào Cai”, ông Lâm thông tin.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, trong những năm qua, mô hình HTX cũng đã góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo, sử dụng lao động tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những HTX hoạt động hiệu quả thì hiện nay toàn tỉnh Lào Cai cũng còn những HTX dừng hoạt động hoặc có hoạt động nhưng không hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh, hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chính sách ban hành nhưng nguồn kinh phí hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu các HTX, đặc biệt đối với các tỉnh nghèo. Các cấp chính quyền hiểu chưa đầy đủ về bản chất HTX và chưa quan tâm đúng mức về lĩnh vực này; đội ngũ cán bộ theo dõi lĩnh vực này còn thiếu kinh nghiệm; các HTX thiếu vốn; đội ngũ quản lý các HTX năng lực, trình độ hạn chế... Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015, trong tiêu chí 13 (Tổ chức sản xuất) về xây dựng NTM chưa được chặt chẽ, các chỉ tiêu đánh giá hoạt động hiệu quả chưa rõ ràng, do đó một số địa phương đã thành lập các HTX hoặc tổ hợp tác chỉ để hoàn thành tiêu chí NTM mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế của các hộ nông dân dẫn đến các HTX này hoạt động chưa hiệu quả.
“Để hạn chế tình trạng này tỉnh Lào Cai đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chỉ tiêu 13.1 về xã có HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 và Sở NN-PTNT thẩm định chỉ tiêu 13.2 về xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Cùng với việc giao nhiệm vụ cho 2 Sở, tỉnh Lào Cai gắn trách nhiệm đối với các sở trong công tác thẩm định; đồng thời tăng cường công tác truyên truyền, kiểm tra, giám sát của các tổ chức đoàn thể”, ông Thể nhấn mạnh.
Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 370 HTX, với 11.568 thành viên, trong đó HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp 154 HTX, chiếm 41,6% với 1.640 thành viên. Tuy nhiên trong đó, số HTX hoạt động hiệu quả chỉ chiếm khoảng 20%.TRỌNG BẢO