Thế mạnh của vùng khó
Với điều kiện đất đai rộng, khí hậu mát mẻ trong lành, vùng DTTS và miền núi có nhiều lợi thế trong chăn nuôi đại gia súc. Trên thực tế, những năm gần đây, có rất nhiều hộ gia đình chuyển hướng sang chăn nuôi đại gia súc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Quàng Văn Muôn, ở bản Mển, xã Hua Trai, huyện Mường La (Sơn La) cho biết, trước đây, gia đình anh chủ yếu chăn nuôi gà, lợn. Tuy nhiên, gần đây dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong việc đi lại. Nhiều khi gà, lợn đến thời gian xuất chuồng mà không có thương lái đến mua.
Ngoài ra, việc chăn nuôi loại vật nuôi này nguồn thu nhập cũng không cao, do đó, anh cùng nhiều người dân chuyển sang nuôi trâu bò bán thịt. Anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi 7 con bò theo hướng bán chăn thả, đồng thời chuyển gần 1 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ cho bò ăn.
Nhờ vậy, đàn gia súc phát triển ổn định. Anh nhẩm tính đợt tới bán đàn bò sẽ thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Muôn cho biết thêm, ở bản Mển hiện đã có hơn 20 hộ cùng chuyển đổi khoảng 5 ha đất sang trồng cỏ để nuôi 250 con trâu, bò.
Trước đây, huyện Na Rì (Bắc Kạn), vốn không phải là vùng trọng điểm về phát triển chăn nuôi. Nhưng từ khi thực hiện chủ trương phát triển nuôi nhốt đại gia súc vỗ béo và bán chăn thả, thì nghề chăn nuôi đại gia súc đã trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện.
Gia đình chị Triệu Thị Liều ở thôn Nà Kèn, xã Sơn Thành, huyện Na Rì, thường nuôi trâu, bò theo cách thả rông. 3 năm gần đây, gia đình chị bắt đầu trồng cỏ voi và chuyên nuôi nhốt vỗ béo. Cứ sau 5 tháng, gia đình được xuất bán 1 lứa trâu, thu về trung bình hơn 100 triệu đồng.
Hiện thôn Nà Kèn có 25 hộ dân, thì đã có 10 hộ thực hiện mô hình nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò. Mỗi gia đình nuôi 3 - 4 con, nhà nhiều nuôi hơn 10 con. Trung bình 1 con trâu, hoặc bò được nuôi nhốt, mỗi tháng có thể cho thu nhập 1 triệu đồng.
Việc nuôi vỗ béo cho trâu, bò đã được nhân rộng ra tất cả các xã. Hiện nay, tổng đàn đại gia súc huyện Na Rì đạt bình quân 8.000 con/năm và có khoảng 134 ha cỏ voi làm thức ăn, phục vụ việc nuôi nhốt.
Hướng đi chiến lược
Mặc dù một số địa phương vùng DTTS và miền núi đã dần chuyển hướng sang chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này vẫn còn khá dè dặt. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, sản lượng chăn nuôi đại gia súc của Việt Nam còn rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường.
Cụ thể, tổng sản lượng thịt đại gia súc các loại của Việt Nam 1 năm, chỉ khoảng 330.000 tấn, trong khi đó, lượng thịt tiêu thụ trong cả nước khoảng 5 triệu tấn. Đối với sản phẩm về sữa, hiện cả nước mới có khoảng 300.000 con bò sữa, sản lượng 960.000 tấn; bình quân sử dụng sữa đạt khoảng 20 lít/người/năm,trong khi đó mức trung bình của thế giới là 81 lít/người/năm.
Như vậy, nhu cầu thịt và sữa trên thị trường đang rất thiếu. Đây là cơ hội tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Xác định rõ điều này, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cũng đã tích cực hoạch định chiến lược sản xuất mới.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2020, Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030”.
Theo chiến lược này, Chính phủ có nhiều ưu tiên cho chăn nuôi đại gia súc. Cụ thể, Chính phủ sẽ cho phép các địa phương chuyển phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp, sang thâm canh trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi, tổng diện tích đất các loại cho nhu cầu này từ 0,5 - 1,0 triệu ha.
Chính phủ cũng khuyến khích phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý ngành và quản trị hoạt động kinh doanh chăn nuôi. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đề nghị người chăn nuôi tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã…
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi chia sẻ, Việt Nam có nhiều giống trâu, bò bản địa chất lượng thịt rất tốt. Cụ thể, nước ta có 1 giống trâu đầm lầy (Swamp buffalo) và 3 loài bò gồm bò vàng, bò Mông và bò U đầu rìu. Trong đó, giống bò Mông là giống rất quý đã được Cục Chăn nuôi lên kế hoạch bảo tồn và phát triển ở một số địa phương.
Với các giải pháp đồng bộ này, Viêt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đàn bò sữa sẽ đạt quy mô 700 nghìn con, trong đó khoảng 60% đàn bò sữa được nuôi trong các trang trại. Đàn bò thịt ổn định ở quy mô 6,5 - 6,6 triệu con, trong đó khoảng 30% được nuôi trong trang trại. Đàn trâu ổn định ở quy mô 2,4 - 2,6 triệu con, trong đó khoảng 20% được nuôi trong trang trại.
Có thể nói, hướng sản xuất chăn nuôi đại gia súc đang là cơ hội, là “mảnh đất màu mỡ” cho người dân vùng dân tộc thiếu số và miền núi khai thác. Vì vậy, người dân cần mạnh dạn nắm bắt bắt cơ hội sớm chuyển đổi sản xuất một cách phù hợp...