Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cần tránh khuynh hướng cầu toàn hay nóng vội trong thực hiện Nghị quyết số 18, 19 khóa XII

PV - 10:04, 19/12/2018

Ngày 18/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, cho ý kiến về kết quả 5 đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII và Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp.

Thực hiện chương trình kiểm tra năm 2018, Ban Bí thư đã cử 5 đoàn kiểm tra tại 15 cấp ủy và tổ chức đảng về việc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn cho thấy, các cấp ủy, tổ chức đảng hoan nghênh Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, cho rằng việc ban hành 2 nghị quyết này là đúng đắn, kịp thời và đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện gắn với Kết luận số 64, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tuy vậy, việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quyết liệt; một số bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, chậm rà soát bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến tổ chức bộ máy. Vì vậy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, việc thực hiện các nghị quyết, kết luận còn khó khăn, vướng mắc.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, việc kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Kết quả tinh giản biên chế về tổng thể chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra, việc giảm số lượng cấp phó triển khai còn chậm. Tại các đơn vị sự nghiệp công lập, việc sắp xếp, bố trí viên chức theo vị trí chuyên môn, nghiệp vụ ở nhiều đơn vị chưa đạt tỷ lệ đề ra; việc giảm đầu mối còn chậm, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ...

Nguyên nhân do một số cấp ủy, người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; một số cơ quan chưa chủ động tham mưu đề xuất giải pháp, lộ trình thực hiện; còn tâm lý ngại va chạm, nể nang, có tư tưởng chờ cấp trên chỉ đạo mới làm… Ngược lại, cũng có nơi làm quá mạnh, nóng vội, nếu không tính toán cẩn thận có thể dẫn đến nhập vào rồi lại tách ra.

Về giải pháp sắp tới, các ý kiến thống nhất cho rằng, 15 cấp ủy, tổ chức đảng được kiểm tra cần phát huy ưu điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm về những hạn chế, tồn tại đã chỉ ra sau kiểm tra; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm với lộ trình phù hợp; tăng cường nắm bắt, xử lý kịp thời diễn biến tâm tư của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; kịp thời phát hiện mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; đồng thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót…

Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhất trí với các ý kiến phát biểu trước đó, đánh giá cao ý nghĩa của việc ban hành các Nghị quyết và kết quả đạt được theo báo cáo của 5 đoàn kiểm tra.

Nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận đúng kế hoạch, kịp thời. Báo cáo kết quả của 5 đoàn kiểm tra đã tổng hợp tình hình, nêu các kiến nghị, đề xuất để Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, làm tốt hơn trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Tinh gọn bộ máy, biên chế là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, nên phải có thời gian để thực hiện. Việc kiểm tra bước đầu có tính chất thúc đẩy công việc, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động khẩn trương, quyết liệt, cho một số kết quả cụ thể, qua đó phát hiện một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, uốn nắn để làm tốt hơn.

Qua kiểm tra ở 15 cấp ủy, tổ chức đảng cho thấy có những việc còn đúng trong thực tế, có những việc cần điều chỉnh uốn nắn. Việc quán triệt nghị quyết, nâng cao nhận thức cần tiếp tục làm tốt hơn, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể, cần thiết, tháo gỡ vướng mắc…

Thực tế đã bộc lộ hai khuynh hướng: Cầu toàn và nóng vội; cần tránh hai khuynh hướng này trong quá trình chỉ đạo thực hiện, phải làm chắc chắn, bài bản, hiệu quả cụ thể, không để xảy ra lộn xộn. Cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, giảm trung gian, giảm biên chế, giảm cấp phó…; đồng thời tính toán giải quyết, cán bộ dôi dư thì đi đâu? Sáp nhập thì cơ sở vật chất thế nào? Tinh thần là cái gì đã chín, đã rõ thì làm, cái gì khó khăn, vướng mắc thì tiếp tục tháo gỡ, giải quyết.

Ban Bí thư đã thống nhất ra Thông báo kết luận về kết quả kiểm tra ở 15 cấp ủy, tổ chức đảng, trong đó nêu rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề nổi cộm cần giải quyết, từ đó rút kinh nghiệm chung, lưu ý cảnh báo cho các địa phương khác.

Ban Bí thư giao Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, theo dõi, đôn đốc, tham mưu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết.

THEO TTXVN

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.