Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cần tổng kết, đánh giá kỹ việc chuyển giao cơ quan quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe

PV - 16:09, 16/09/2020

Đây là vấn đề đặt ra tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), sáng 16/9.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: QK
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: QK

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), thừa ủy quyền Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư phát triển kinh tế và nâng cao hơn nữa hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

“Việc tách bạch phạm vi điều chỉnh, tách bạch nội dung của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thực sự cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ trong tình hình mới”, Thứ trưởng cho hay.

Luật Bảo đảm TTATGTĐB có 8 chương, 72 điều. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ, ngành có liên quan, UBND các cấp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong đó, đáng chú ý dự thảo Luật quy định: Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sát hạch lái xe, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Việc cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cũng do Bộ trưởng Công an quy định.

Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này. Tuy nhiên, cần xem xét Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và Luật Bảo đảm TTATGTĐB cùng thời điểm để tách bạch phạm vi điều chỉnh, nội dung của hai dự luật này cho rõ ràng, không để chồng lấn, trùng lặp.

Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội thấy rằng từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được quy định trong Luật GTĐB (2001 và 2008) và được thực hiện ổn định.

Bộ GTVT cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động này. Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập về chất lượng đào tạo, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và theo dõi thi hành pháp luật về an toàn giao thông đối với người lái xe.

Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc phạm vi quản lý người điều khiển phương tiện giao thông (kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe), liên quan trực tiếp đến TTATGTĐB, nên khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGTĐB là phù hợp.

Nội dung này cũng đã được Chính phủ thảo luận và thống nhất quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xây dựng hai phương án, quy định ở Luật BĐTTATGTĐB hoặc quy định trong Luật GTĐB như hiện hành.

Nhưng bản chất của vấn đề là xác định bộ nào quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi GPLX và Bộ GTVT đã thống nhất trình Quốc hội phương án 1 (quy định ở Luật BĐTTATGTĐB). Thường trực Ủy ban nhất trí với phương án 1 mà Chính phủ đã thống nhất và giao Bộ Công an quản lý nhà nước nội dung nêu trên, vì nội dung này thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ.

Thảo luận về vấn đề này, nhấn mạnh phải nâng cao ý thức và tiến tới văn minh về giao thông, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, kỷ cương pháp luật phải xử phạt nghiêm minh nên cần đưa trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ sang ngành Công an để tăng cường ý thức và trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định, một số quy định mới được nêu trong Luật như đấu giá biển kiểm soát, trừ điểm trên giấy phép lái xe,… có tác động đến hàng triệu người nên cần cân nhắc thận trọng trước khi quy định trong luật.

Đồng thời, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng cho rằng, việc giao quyền quản lý sát hạch lái xe từ Bộ này sang Bộ kia cần có tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, việc cấp phép lái xe, sát hạch lái xe, hiện nhiều nước giao cho cơ quan Công an quản lý, nhưng một số nước lại giao cho cơ quan dân sự, hiệp hội, chính quyền bang..., vì vậy, cần rà soát thật kỹ.

Do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, việc phân công Bộ này quản lý phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phải đánh giá một cách khách quan, trên cơ sở thông tin, số liệu cụ thể. Việc giao cơ quan quản lý cần tổng kết, đánh giá kỹ nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm kinh nghiệm nước ngoài; xu hướng xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ thêm và Quốc hội sẽ xem xét, quyết định.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả 2 phiên giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” và “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.