Không hiểu vì lý do gì, một số lượng lớn giống cây bị vứt bỏ la liệt dưới chân núi. Một điều thấy rõ, rừng phòng hộ không được trồng bổ sung, kinh phí Nhà nước bỏ ra mua giống cây đang bị lãng phí.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng ngàn bịch cây giống bị vứt dọc khe suối dưới chân núi ở khu vực thôn 12, núi Phủ Vàng và núi Trà La. Do bị vứt bỏ lâu ngày, thân cây giống đã khô, gãy nát nhưng còn nguyên các bao vỏ bọc gốc.
Một người dân ở gần khu vực cây giống bị vứt bỏ bức xúc: Khi cây giống mới đưa về, người dân mừng lắm, vì số cây giống này sẽ được phủ kín khu vực xảy ra cháy rừng trước đây. Nhưng không hiểu vì lý do gì, cây giống lại bị vứt bỏ lãng phí, chết khô, chết héo nhiều như thế này. Trong khi hàng trăm ha rừng cháy lại không được trồng bổ sung. Chúng tôi nhìn thấy mà xót xa vô cùng.
Trong cuộc họp Hội đồng nhân dân xã đầu năm 2018, rất nhiều người dân đã có ý kiến kiến nghị, làm rõ sự việc, thế nhưng đến nay vẫn chưa được cấp nào xử lý, thông tin rõ cho người dân được biết.
Được biết, vụ cháy rừng phòng hộ năm 2015, riêng xã Hoằng Khánh đã bị cháy hơn 160ha rừng. Đến cuối tháng 9/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt kế hoạch trồng lại rừng. Theo đó, riêng xã Hoằng Khánh được phân bổ hơn 296 triệu đồng tiền để mua cây giống (loại cây keo tai tượng Úc). Khi đơn vị cung cấp cây giống đưa về, được bàn giao cho chính quyền địa phương và các hộ là chủ rừng để triển khai trồng.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh, ông Chủ tịch xã xác nhận, có tình trạng cây giống hỗ trợ bị vứt bỏ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 2000 cây bị chết nên một số hộ dân là chủ rừng đã vứt bỏ. “Về sự việc phản ánh này, xã cũng xin nhận trách nhiệm là chưa giám sát chặt chẽ quá trình trồng rừng của người dân”, ông Hồng phân trần.
Mặc dù Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh khẳng định, chỉ có hơn 2000 cây giống bị vứt. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết diện tích rừng bị cháy không hề được trồng cây bổ sung. Và chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy tại 3 điểm có cây bị vứt, số lượng cây bị vứt bỏ cao gấp nhiều lần.
Ông Lê Huy Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa cho biết, hiện nay Phòng đã nắm được thông tin hiện đã cử cán bộ xuống xã để kiểm tra thực tế.
Chủ trương phục hồi lại diện tích rừng phòng hộ đã mất, là chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong việc triển khai các giải pháp ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn đối với người dân sống trong khu vực. Tuy nhiên, với sự việc đang diễn ra ở xã Hoằng Khánh, cần phải được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra làm rõ trách nhiệm. Đồng thời, có sự giám sát chỉ đạo địa phương có ngay phương án khắc phục lại diện tích rừng bị cháy.
QUỲNH TRÂM