Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cần bảo tồn nhà truyền thống của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn

Lữ Phú - 10:06, 15/08/2024

Kỳ Sơn là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông cư trú nhất tỉnh Nghệ An với 25.932 khẩu, chiếm 32,46% dân số trong huyện. Cư trú ở vùng cao, đồng bào Mông còn bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có kiến trúc nhà ở với những mái lợp độc đáo bằng gỗ sa mu.

Một nếp nhà cổ truyền thống, mái lợp ván gỗ sa mu của người Mông ở Kỳ Sơn.
Một nếp nhà cổ truyền thống, mái lợp ván gỗ sa mu của người Mông ở Kỳ Sơn

Khi đặt chân đến các bản làng người Mông, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh những ngôi nhà lợp bằng gỗ sa mu nằm bên các sườn núi cao. Theo thời gian, những mái nhà sa mu đã lên màu xanh mốc, cổ kính, trầm mặc giữa đại ngàn, tạo nên vẻ đẹp bình dị, chân chất như chính tâm hồn của đồng bào vùng cao.

Ngôi nhà cổ của người Mông dù to hay nhỏ đều phải có đủ 2 cửa, trong đó có một cửa chính và một cửa phụ. (Trong ảnh: Hiên nhà cổ của đồng bào Mông)
Ngôi nhà cổ của người Mông dù to hay nhỏ đều phải có đủ 2 cửa, trong đó có một cửa chính và một cửa phụ. (Trong ảnh: Hiên nhà cổ của đồng bào Mông)

Ông Vừ Lầu Phổng, bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn cho biết, ngôi nhà của gia đình ông không chỉ là không gian sinh hoạt hằng ngày mà còn là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc Mông như khèn, pí và nhiều loại nhạc cụ khác của dân tộc. “Ngôi nhà gia đình mình đang ở đã được làm lâu năm. Nó đã có dấu hiệu xuống cấp, mái lợp gỗ sa mu bị dột nước khá nhiều chỗ. Nhưng vì mong muốn gìn giữ lại bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên gia đình đã tu sửa bằng cách sử dụng các tấm tôn nhựa lợp lót dưới các tấm gỗ sa mu để tránh dột về mùa mưa.”, ông Phổng chia sẻ.

Ông Vừ Lầu Phổng, bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn cho biết, ngôi nhà của gia đình ông không chỉ để ở mà còn là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.
Ông Vừ Lầu Phổng, bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn cho biết, ngôi nhà của gia đình ông không chỉ để ở mà còn là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông

Ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao Kỳ Sơn hầu như được thiết kế thống nhất theo một khuôn mẫu kiến trúc là nhà trệt, mái thấp. Dù ngôi nhà đó to hay nhỏ nhưng đều phải có đủ 3 gian và tối thiểu 2 cửa, trong đó có một cửa chính và một cửa phụ. Những ngôi nhà nền đất, cột gỗ đã gắn liền với tập quán sống trên các sườn núi cao và mang nét đặc trưng, tiêu biểu cho nền văn hóa lâu đời của người Mông, tạo nên một nền văn hóa đa dạng của đồng bào các DTTS ở vùng cao Nghệ An.

Theo thời gian, những mái nhà sa mu đã lên màu xanh mốc, cổ kính, trầm mặc giữa đại ngàn.
Theo thời gian, những mái nhà sa mu đã lên màu xanh mốc, cổ kính, trầm mặc giữa đại ngàn

Xã vùng cao Tây Sơn, cách trung tâm huyện Kỳ Sơn hơn 12km, là địa phương còn gìn giữ được nhiều nếp nhà cổ truyền thống của đồng bào Mông. Ông Vừ Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết: “Tây Sơn có 6 bản làng, 100% là đồng bào Mông sinh sống. Hiện tại, người dân vẫn còn lưu giữ được 85% kết cấu nhà truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, mái lợp bằng gỗ sa mu đang có nguy cơ bị mai một do nhiều yếu tố tác động. Vì thế, chính quyền xã Tây Sơn mong muốn các cơ quan chuyên môn có phương án hỗ trợ người dân bảo tồn nếp nhà truyền thống trên địa bàn xã, để du khách phương xa đến Kỳ Sơn tham quan trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được chiêm ngưỡng nét kiến trúc nhà ở của người Mông.

Khi đặt chân đến các bản làng người Mông, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh những ngôi nhà lợp bằng gỗ sa mu nằm san sát, bên các sườn núi cao.
Khi đặt chân đến các bản làng người Mông, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh những ngôi nhà lợp bằng gỗ sa mu nằm bên các sườn núi cao.

Theo bà Cụt Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kỳ Sơn, cùng với tiếng nói và trang phục, nhà cổ truyền thống bằng gỗ sa mu là một nét văn hóa truyền thống, thể hiện nét riêng biệt của đồng bào dân tộc Mông ở Kỳ Sơn. “Thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, bước đầu chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con giữ gìn bản sắc văn hóa, đặc biệt là những ngôi nhà bằng gỗ sa mu. Chúng tôi cũng đang xây dựng các tuyến du lịch và huyện cũng có văn bản gửi Sở Khoa học và Công nghệ cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đề nghị phối hợp bảo tồn những ngôi nhà truyền thống này. Mong rằng, các sở, ban, ngành sớm có những phản hồi tích cực để hỗ trợ huyện Kỳ Sơn triển khai Đề án bảo tồn các ngôi nhà cổ sa mu này trong thời gian sớm nhất.”, bà Cụt Thị Hương chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.