Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Các tỉnh miền núi phía Bắc: Làm gì để khai thác “mỏ vàng” du lịch?

PV - 15:39, 16/01/2019

Thiên nhiên hùng vĩ cùng với nền văn hóa truyền thống đa dạng, độc đáo của các DTTS là “mỏ vàng” của các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển du lịch. Tiềm năng lớn là vậy nhưng hiện nay, ngành công nghiệp không khói vẫn chưa đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương.

Chưa xứng tầm tiềm năng

Trong các tỉnh miền núi phía Bắc, Hà Giang là địa phương có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng. Đó là “Cổng trời” Sà Phìn, núi đôi Quản Bạ, đỉnh đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cột cờ Lũng Cú-điểm cực Bắc của Tổ quốc, thác Thí, thác Tiên…

Ngoài ra, Hà Giang còn “hút” du khách trong những mùa lễ hội của đồng bào các DTTS. Đó là chợ tình Khâu Vai, Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Hoa tam giác mạch…

Cơ sở lưu trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Cơ sở lưu trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch.

Đến Hà Giang vào mùa Xuân, du khách sẽ được đắm chìm trong bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Đó là lúc những cung đường huyền thoại đẹp mê hồn trong rừng hoa mơ, hoa mận trắng trời; các bản làng còn được tô điểm thêm bởi những cây đào khoe sắc rực rỡ.

“Đặc sản” phong phú là vậy nhưng đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng kinh tế của Hà Giang chưa thực sự xứng tầm. Thậm chí, trong 2 năm gần đây (2017, 2018), lượng khách đến với Hà Giang năm sau ít hơn năm trước; doanh thu từ du lịch, dịch vụ vì thế cũng giảm mạnh.

Cụ thể, năm 2017, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 1 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế đạt trên 170 nghìn lượt, khách nội địa gần 900 nghìn lượt người; doanh thu từ du lịch đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.

Nhưng năm 2018 chỉ có gần 331 nghìn lượt khách đến Hà Giang; doanh thu từ du lịch chỉ đạt 158,6 tỷ đồng. Riêng tháng 11-tháng tâm điểm của Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 4/2018, nên đã đóng góp vào doanh thu 106 tỷ đồng; với khoảng 120 nghìn lượt khách, trong đó có gần 29 nghìn lượt khách quốc tế.

Cũng như Hà Giang, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng chưa khai thác được “mỏ vàng” trong lĩnh vực du lịch. Ngay cả với Điện Biên-địa phương được định hình rõ nét trên bản đồ du lịch Việt Nam, đóng góp từ du lịch chưa đúng với tiềm năng.

Cụ thể, tổng lượng khách đến Điện Biên trong năm 2018 ước đạt hơn 700 nghìn lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.155 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017, Điện Biên đón khoảng 600 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 950 tỷ đồng.

So với tiềm năng thì doanh thu từ hoạt động du lịch của Điện Biên, Hà Giang rõ ràng chưa xứng tầm. Cũng là tỉnh miền núi, nhưng nhìn vào Lâm Đồng, năm 2018 tỉnh này đón hơn 6,5 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 11,7 nghìn tỷ đồng. Hay chỉ với TP. Hội An của tỉnh Quảng Nam, năm 2018, địa phương này đã đón hơn 3,8 triệu lượt khách; doanh thu từ thăm quan, lưu trú du lịch năm 2018 đạt 4.700 tỷ đồng; thu nhập xã hội từ thăm quan, lưu trú du lịch ước đạt 11,1 nghìn tỷ đồng.

Làm gì để tránh “no dồn, đói góp”?

Không quá khó để lý giải vì sao lĩnh vực du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa thể “cất cánh” dù rằng tiềm năng là rất lớn. Đó là đường sá lẫn phương tiện di chuyển rất hạn chế, gây khó khăn cho du khách cùng các hãng lữ hành. Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ như cơ sở lưu trú, nhà hàng tại đây sơ sài và chất lượng thấp; dịch vụ du lịch, mua sắm hay vui chơi chưa thật sự đáp ứng đủ nhu cầu của khách… Tựu trung lại là do các địa phương chưa tạo được các yếu tố “cần” và đủ” để phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Không nói về giao thông đi lại bởi điều này là quá rõ, thì cơ sở dịch vụ là rào cản lớn trong nỗ lực phát triển du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Như Điện Biên, mặc dù là điểm du lịch được biết đến từ hàng chục năm nay nhưng hiện toàn tỉnh chỉ có 142 cơ sở lưu trú (trong đó có 19 khách sạn từ 1 đến 4 sao). Còn trên địa bàn Hà Giang cũng chỉ có 239 cơ sở lưu trú.

Trong khi đó, ở Lâm Đồng, toàn tỉnh này có đến 1.399 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 426 khách sạn từ 1-5 sao. Còn ở Quảng Nam, toàn tỉnh có 570 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó hơn 90% cơ sở phân bố tại Hội An.

Chỉ sơ bộ như vậy để thấy, hạ tầng phục vụ du lịch của các tỉnh miền núi phía Bắc còn rất thiếu thốn. Nhưng đây cũng không phải là “điểm nghẽn” khiến các địa phương này chưa khai thác được tiềm năng để phát triển du lịch. Như chia sẻ của ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lào Cai, mặc dù cơ sở lưu trú còn ít nhưng ngày thường vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của du khách; tình trạng “quá tải” chỉ rơi vào dịp lễ lớn.

Nhận định của ông Thắng cho thấy rõ, các tỉnh miền núi phía Bắc đang làm du lịch theo mùa vụ, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch quanh năm. Vì lẽ đó mà ngành du lịch ở các địa phương này thường rơi vào tình trạng no dồn, đói góp”.

Để thoát khỏi tình trạng này, các tỉnh miền núi phía Bắc cần thiết phải tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó “hút” khách du lịch quanh năm chứ không phải theo mùa vụ. Nhưng điều quan trọng nhất là phải biến tiềm năng du lịch thành những sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn.

Một thực tế cũng cần nhắc lại là, lâu nay ngành du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc mới chỉ dựa vào tiềm năng sẵn có. Nhưng tiềm năng không phải sản phẩm du lịch. Đừng bao giờ khai thác hết tiềm năng mà phải dựa vào tiềm năng để làm sản phẩm du lịch mới. Tiềm năng là cái để chúng ta khai thác nhưng khai thác lúc nào, thời điểm nào thì phải được tính toán để hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.