Trước đây, hộ gia đình anh Tráng A Vu ở thôn Tả Van Chư, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà là hộ nghèo của xã. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn WB, anh Vu mạnh dạn tham gia nuôi lợn thịt giống bản địa. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn lợn của gia đình anh phát triển tốt, sau 7 tháng đã cho xuất chuồng, trừ chi phí, anh Vu thu về hơn 5 triệu đồng. Kết quả này đã thúc đẩy anh mạnh dạn đầu tư nhân đàn lợn thịt. Sau hơn 2 năm tham gia Dự án, gia đình anh Vu đã thoát nghèo.
“Trước đây, mình cũng không biết gì về Dự án này. Đến khi có cán bộ về thông tin, lấy ý kiến từng hộ trong thôn muốn nuôi con gì, trồng cây gì để được đầu tư. Gia đình mình và khoảng chục hộ trong thôn đã chọn mô hình nuôi giống lợn bản địa, vì mô hình này phù hợp với điều kiện gia đình.” anh Vu tâm sự.
Gia đình chị Lồ Dìn Soáng, thôn Tả Thền 2, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương cũng là một thành viên trong nhóm nuôi ngan của thôn. Ban đầu, gia đình chị Soáng được Dự án hỗ trợ 50 con ngan giống, 275kg thức ăn hỗn hợp, 5 nghìn đồng tiền thuốc thú y mỗi con giống và 9kg lưới quây phục vụ làm chuồng trại, tổng kinh phí 6,1 triệu đồng; trong đó Dự án hỗ trợ 80%, 20% còn lại, gia đình tự bỏ tiền đối ứng.
Theo chị Soáng, giống ngan được hỗ trợ rất phù hợp với điều kiện vùng cao này nên phát triển rất tốt. Lứa đầu tiên, chị xuất bán cũng thu về gần 3 triệu đồng tiền lãi. Bây giờ, gia đình chị Soáng là một trong những hộ cung cấp ngan thịt có tiếng của xã Thanh Bình. Từ một hộ nghèo, nhờ nuôi ngan, gia đình chị Soáng đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá của thôn.
“Cán bộ Dự án về họp thôn nói, bà con muốn nuôi con gì thì đăng ký chứ không ép các gia đình phải nuôi con gì, trồng cây gì như một số dự án trước đây. Mình thấy nuôi con ngan này cũng dễ, phù hợp với điều kiện gia đình nên mình đăng ký vào nhóm nuôi ngan”.
Theo đánh giá, tỉnh Lào Cai là địa phương dẫn đầu trong các tỉnh vùng Tây Bắc triển khai hiệu quả nguồn vốn vay WB. Ông Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA tỉnh Lào Cai cho biết: Qua khảo sát, có 65% hộ tham gia các tiểu dự án sinh kế thoát được nghèo, 30% số hộ đã giải quyết được vấn đề thu nhập ban đầu và chỉ có 5% số hộ gặp rủi ro khi tham gia Dự án.
Để có được kết quả này, theo ông Phong, trước khi triển khai các dự án, cán bộ địa phương đều họp thôn, lấy ý kiến của bà con về nhu cầu nuôi con gì, trồng cây gì để phát triển kinh tế. Sau đó, các hộ có cùng sở thích sẽ được tập trung vào một nhóm gọi là “Nhóm đồng sở thích”. Khi vào các nhóm này, các thành viên sẽ có điều kiện trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất; tự xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với từng hộ gia đình, từng thôn bản.
Quan điểm của địa phương, khi triển khai các tiểu dự án sinh kế là, hãy tin và trao tiền cho đồng bào và để họ tự quyết định phương án sản xuất. Trong quá trình triển khai, cán bộ Dự án luôn bám nắm cơ sở, kịp thời giúp đồng bào tháo gỡ những khó khăn.
“Từ kết quả triển khai các vấn đề liên quan đến đồng bào, chúng tôi khẳng định thêm tầm quan trọng khi thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở sẽ tạo ra được sức mạnh tổng hợp, giải quyết được nhiều vấn đề dù khó khăn đến mấy. Về phía đồng bào, khi được bàn bạc, họ sẽ thẳng thắn đưa ra chính kiến của mình. Nếu áp đặt, chắc chắn không thể thành công vì không có sự đồng thuận của chính người dân tham gia”, ông Phong nhấn mạnh.
TRỌNG BẢO