Theo Đề án, Cà Mau sẽ đưa 138/206 chiếc xe ô tô công tham gia, xe công sẽ do Trung tâm Dịch vụ tài chính công trực thuộc Sở Tài chính quản lý. Tuy nhiên đến nay, Trung tâm này đã tiếp nhận 142 xe công và 67 nhân viên lái xe từ các đơn vị chuyển về.
Để bảo đảm thực hiện tốt việc vận hành xe, Trung tâm Dịch vụ tài chính công đã chia 67 nhân viên lái xe thành 04 tổ để thực hiện nhiệm vụ hằng ngày (mức dao động từ 23 đến 27 lượt sử dụng/ngày).
Ông Triệu Quang Lợi, Trưởng Ban Dân tộc Cà Mau cho biết, từ khi đưa xe của Ban vào tham gia Đề án, ông thấy như được chia sẻ trong công việc quản lý tài sản công và không còn lo lắng khi xe chưa về đến cơ quan. “Trước mắt là không phải lo chỗ để xe, duy tu bảo dưỡng, còn chưa nói đến việc con người như: chế độ tài xế, chẳng may tai nạn…. Bây giờ thì nhẹ nhàng hơn, chỗ làm việc cũng rộng hơn, khi có kế hoạch công tác, chỉ cần một cuộc điện thoại sau 20 phút là có xe phục vụ cho công tác đột xuất. Còn ngày nghỉ, cao lắm thì 1 giờ cũng có xe phục vụ chu đáo. Cứ có chuyến công tác là được xe đón tại chỗ, đưa về đến nơi”, ông Lợi chia sẻ về tính hiệu quả và thuận lợi khi tham gia Đề án này.
Cùng cảm nhận như ông Lợi, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Ban đầu, lãnh đạo Sở cũng lo lắng, vì đặc thù của công việc canh rừng mùa khô và công tác tuần tra liên tục mà phải phụ thuộc vào một đơn vị khác, chờ điều phối xe rất lo trễ nải công việc. Tuy nhiên, khi triển khai Đề án mới thấy nhiều tiện lợi, nhất là lúc cao điểm nắng nóng, dịch bệnh, hạn mặn… có hôm Ban Giám đốc chia ra nhiều tổ tuần tra, kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng; triển khai phương án phòng chống dịch tả lợn châu Phi; rồi tham gia khảo sát chống xâm nhập mặn… Nhờ Đề án mà chúng tôi mới có đủ xe để cho các thành viên đi. Như trước đây, chúng tôi phải thuê thêm xe bên ngoài mới đủ phục vụ công tác khẩn cấp”.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, việc vận hành xe ô tô để bố trí phục vụ công tác cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đến nay đã đi vào ổn định, đáp ứng được nhu cầu công tác của các cơ quan, đơn vị. Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, việc chuyển đổi phương thức quản lý đối với xe ô tô công dự kiến sẽ tiết kiệm mỗi năm trên 17 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trong đó, giảm chi từ mua sắm mới để thay thế xe cũ khoảng 7 tỷ đồng; giảm chi cho công tác quản lý trên 2,5 tỷ đồng và giảm chi phí duy trì vận hành khoảng 8 tỷ đồng.
Đồng thời, khắc phục, ngăn chặn được tình trạng quản lý, sử dụng xe ô tô công không đúng mục đích. Bên cạnh đó, Đề án còn góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách tài chính công và sắp xếp lại bộ máy cồng kềnh trong quản lý xe công.
NHƯ TÂM