Mở màn cuộc đua giảm giá không phanh của nông sản là mặt hàng hoa ly. Trước Tết Nguyên đán, người dân Tây Tựu (Hà Nội) phấn khởi vì giá hoa ly cao ngất ngưởng, với từ 30.000-35.000 đồng/cành; đỉnh điểm những ngày cận Tết còn lên tới 60.000-65.000 đồng/cành. Hết Tết, khi người dân trở lại với công việc thường ngày thì cũng là lúc các loại ly ở làng hoa Tây Tựu bung nở, cung vượt mạnh so với cầu nên giá rớt thảm hại; nhiều nhà vườn phải bán 2.000 đồng/cành.
Sau hoa ly, tại Nghệ An và Quảng Nam, hàng loạt rau quả cũng có giá rẻ như cho .Su hào rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/củ, hành hoa 3.000-4.000 đồng/kg, cải bắp hay rau cải các loại 1.000 đồng/kg,... Giá rau rẻ hơn cả cốc trà đá nên mỗi sào rau, người dân lỗ từ 1-2 triệu đồng.
Những “cánh đồng trắng”-cách gọi những cánh đồng nông dân phải nhỏ bỏ nông sản vì ế ẩm, lại xuất hiện, cả ở miền Trung và miền Bắc.
Được mùa, rớt giá, bế tắc đầu ra,... là vòng luẩn quẩn mà nông dân Việt Nam bao nhiêu năm nay gặp phải, không thoát ra được. Người nông dân đã và đang cá cược với với trời và thị trường(!).
Mới đây thôi, trước thông tin phản ánh hiện tượng giá một số mặt hàng rau, củ tươi... giảm mạnh khiến người nông dân bị thua lỗ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải gửi công văn hỏa tốc đề nghị Cục trưởng Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Cục Bảo vệ Thực vật khẩn trương kiểm tra, đề xuất biện pháp khắc phục.
Liệu sẽ có một cuộc giải cứu nông sản rầm rộ ngay sau Tết? Điều này có thể sẽ diễn ra, bởi sau Tết là một mùa giáp hạt đầy khắc nghiệt. Như đầu năm 2017, cả nước cũng đã phải “giải cứu” thịt lợn, dẫn tới một phong trào “cười ra nước mắt” là “nhà nhà ăn thịt lợn/ngành ngành ăn thịt lợn/…”.
Nhưng chẳng lẽ, việc “giải cứu nông sản” cứ lặp đi lặp lại mãi?
SỸ HÀO